January 28, 2022 | 15:48 GMT+7

Chính sách lao động, tiền lương chính thức áp dụng từ tháng 2

Nhật Dương -

Điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; thay đổi mức trần tiền dịch vụ xuất khẩu lao động là những chính sách mới về lao động, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2022 tới đây...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tăng thời gian làm thêm tối đa với lao động thời vụ

Ngày 1/2/2022 tới đây, Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực.

Theo đó, giới hạn về giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm đã được mở rộng hơn. Cụ thể, về tiêu chuẩn và số giờ làm thêm đối với lao động làm công việc thời vụ trên, trổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ.

Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

Lao động xuất khẩu phải về nước trước hạn được hỗ trợ đến 30 triệu đồng

Trong tháng 2/2022, các quy định tại Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ chính thức được áp dụng với nhiều nội dung mới.

Một trong những nội dung đáng chú ý là việc tăng mức hỗ trợ đối với người lao động phải về nước trước thời hạn từ ngày 21/2/2022. Theo đó, trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ từ 10.000.000 - 30.000.000 đồng/trường hợp. Hiện nay, theo Quyết định 144/2007/QĐ-TTg, mức hỗ trợ là 5.000.000 đồng/trường hợp.

Mức hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài tăng lên 40.000.000 đồng/trường hợp. Hiện nay, mức hỗ trợ cho thân nhân của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài là 10.000.000 đồng/trường hợp).

Hỗ trợ từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng/trường hợp khi người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác.

Điều chỉnh mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới xuất khẩu lao động

Đây là nội dung tại Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng chính thức được áp dụng từ tháng 2/2022. Thông tư này đã điều chỉnh lại mức trần thù lao môi giới xuất khẩu lao động, doanh nghiệp không được thu vượt quá mức này.

Theo đó, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới được theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc.

Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.

Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, không thu thù lao theo hợp đồng môi giới đối với mọi ngành nghề tại thị trường Nhật Bản và Thái Lan; nghề thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải tại Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; lao động giúp việc gia đình tại Malaysia, Brunei và các nước Tây Á.

Điều chỉnh tiền lương/thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội

Ngày 20/2/2022 tới đây, Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh với các hệ số mới như sau:

Chính sách lao động, tiền lương chính thức áp dụng từ tháng 2  - Ảnh 1

Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện như sau:

Chính sách lao động, tiền lương chính thức áp dụng từ tháng 2  - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate