June 22, 2021 | 14:13 GMT+7

Chính sách tiền tệ phục vụ mục tiêu “kép”

Ngân hàng Nhà nước hướng tới mục tiêu dùng chính sách tiền tệ vừa kiểm soát lạm phát, ổn vĩ mô vừa hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19...

Sáng 21/6/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021. Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, tính 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt.

ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

Theo đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.

“Quá trình triển khai, tổ chức hoạt động của ngành ngân hàng đạt được kết quả mong muốn trong thời điểm hiện nay, đây là đóng góp chung cùng các lĩnh vực trong nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mới và người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Báo cáo cụ thể thêm, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong những tháng đầu năm, đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt. Theo đó, cơ quan này duy trì hàng ngày thực hiện chào mua giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,5%/năm để phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản.

Riêng về điều hành lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì đà giảm so với cuối năm 2020.

“Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm”, ông Phạm Thanh Hà nói.

Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày, phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Chia sẻ về hoạt động tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%), dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%.

Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực, (gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Các lĩnh vực này có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế. Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%. Riêng tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VƯỢT ĐẠI DỊCH

Tuy nhiên, cũng theo vị Vụ trưởng Vụ Tín dụng, khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần ba và bốn, đã có tác động nhất định đối với hoạt động tín dụng ngân hàng, khả năng trả nợ của khách hàng đặc biệt trong những ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Tuấn Anh đánh giá.

Do đó, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nổi bật nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Nhờ triển khai tích cực, tính đến cuối tháng 5/2021 ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 256 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 337 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 677 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng cho hơn 480 nghìn khách hàng.

Bên cạnh triển khai chương trình chung, các thành viên của ngành ngân hàng cũng chủ động để có giải pháp hỗ trợ riêng. Từ đầu năm 2021 đến nay đã có 17 tổ chức tín dụng đã công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Trong đó, Vietcombank giảm ở mức 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Agribank hỗ trợ cho các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng). BIDV triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ, lãi suất giảm 1%-1,5% so với kỳ trước. VietinBank giao quyền chủ động cho các chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay, dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng).

Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay là 38,47 tỷ đồng.

“Hiện, Bộ Lao động thương binh và Xã hội đang làm đầu mối phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (trong đó có chính sách tín dụng), Ngân hàng Nhà nước đã và đang tích cực phối hợp Bộ Lao động thương binh và Xã hội trong hoàn thiện chính sách này. Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 238.729 tỷ đồng, tăng 5,54% so với cuối năm 2020, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ”, ông Tuấn Anh nói.

ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT BÁN SÁT DIỄN BIẾN VĨ MÔ

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Cụ thể, điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế - Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Trong đó, tập trung một số nội dung trọng điểm như đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục phối hợp với bộ ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất cho ảnh hưởng Covid-19.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate