Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ tổ chức 5 ngày (từ ngày 10/3 đến ngày 14/3), với 6 nhóm, 18 hoạt động chính thức.
Một trong những hoạt động chính của lễ hội là Triển lãm chuyên ngành cà phê với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 400 gian hàng, khoảng 200.000 lượt khách tham quan.
Tiếp nối thành công Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê những năm trước, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê lần này có ý nghĩa đặc biệt, nhằm quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đến du khách, bạn bè trong và ngoài nước, là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, quảng bá sản phẩm, liên kết hợp tác phát triển, mở rộng thị trường và hợp tác đầu tư.
Sự kiện cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cà phê quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và nâng cao kiến thức trong sản xuất, chế biến cà phê, nâng cao thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong quá trình hội nhập với kinh tế quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết Đắk Lắk hiện có hơn 210.000 ha cà phê, với sản lượng đạt trên 560.000 tấn/năm. Cà phê của địa phương này đã xuất khẩu đến hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Về chế biến và xuất khẩu cà phê của Việt Nam, hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở sản xuất cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm.
Cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, quy mô xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu.
Cà phê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu, đạt trên 4 tỷ USD/năm. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai sau Brazil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng.
Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,78 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.293 USD/tấn.