May 27, 2024 | 16:51 GMT+7

Chính thức mở đường chuyên dụng thuộc cặp cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan

Vũ Khuê -

Các lối thông quan, đường chuyên dụng khi được đưa vào vận hành chính thức theo tính chất cửa khẩu quốc tế sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, thương mại....

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Ngày  27/5, tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn, Việt Nam) – Pò Chài (Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc), UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) phối hợp với Chính phủ nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức lễ công bố mở chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089; lối thông quan Tân Thanh – Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091); lối thông quan Cốc Nam – Lũng Nghịu (khu vực mốc 1104-1105) thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, tạo thêm điều kiện để hai bên tăng cường giao lưu nhân dân, mở rộng hợp tác về du lịch, thúc đẩy triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.

Ấn nút chính thức vận hành các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.
Ấn nút chính thức vận hành các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.

Đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động giao thương ổn định qua các cửa khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, cửa ngõ giao thương trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều qua các cặp cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) diễn ra thuận lợi và sôi động.

Tổng kim ngạch các loại hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) – Quảng Tây (Trung Quốc) năm 2023 đạt trên 52 tỉ USD, tăng hơn 85% so với năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2024 đã đạt trên 22 tỉ USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Để tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa qua những lối thông quan, đường chuyên dụng của hai bên, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã tích cực trao đổi, thống nhất để đưa vào vận hành chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089; lối thông quan Tân Thanh - Pò Chài khu vực mốc 1090-1091; lối thông quan Cốc Nam - Lũng Nghịu khu vực mốc 1104-1105 thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.

Các lối thông quan, đường chuyên dụng khi được đưa vào vận hành chính thức theo tính chất cửa khẩu quốc tế sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, thương mại.

Ông  Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại lễ công bố.
Ông  Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại lễ công bố.

Tại lễ công bố, lãnh đạo hai bên đều khẳng định, thời gian tới, hai tỉnh - khu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi, cùng báo cáo cấp có thẩm quyền phê chuẩn để các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá thuộc cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan có đầy đủ tính chất, công năng của cửa khẩu quốc tế.

Tiếp tục thống nhất các giải pháp nâng cao tiện lợi hoá thông quan, phương thức giao nhận hàng hoá phù hợp với điều kiện và nhu cầu của cả hai bên.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm, trong thời gian tới, tỉnh này tiếp tục triển khai xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị trở thành cửa khẩu tiên tiến, hiện đại, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị sẽ trở thành cửa khẩu kiểu mẫu, trung tâm dịch vụ cửa khẩu công nghệ cao với năng lực thông quan thông minh, bãi đỗ xe điện tử, lưu kho tự phục vụ và các dịch vụ số khác để tăng tính chủ động, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate