Trao đổi với VnEconomy, ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết: Để đảm bảo việc thực hiện dự án đúng tiến độ, UBND quận Bình Tân đã tập trung chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể đối với lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng...
Theo kế hoạch, quận Bình Tân sẽ thực hiện dự án Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo và hoàn thành dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Đến nay, 2 dự án này đã triển khai đến đâu, thưa ông?
Dự án Khu dân cư Tân Tạo được chia làm 2 dự án thành phần: Khu A và Khu B. Dự án Khu A do Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Phúc Khang làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất cần thu hồi của dự án gần 330ha, đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ hơn 233,5ha (tỷ lệ 70,8%). Diện tích chưa thực hiện bồi thường là 96,4ha (tỷ lệ 29,2%).
Trong năm 2022, UBND quận Bình Tân phấn đấu bồi thường thêm 16,24ha, cộng thêm 4,64ha còn lại của năm 2021, tương ứng 21% diện tích chưa bồi thường còn lại.
Đối với dự án Khu B (đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu trung tâm dân cư Tân Tạo), quy mô hơn 145,6ha. Trước đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tân Tạo (Tân Tạo) làm chủ đầu tư, và đã tự thỏa thuận chuyển nhượng được gần 34ha, diện tích còn lại 111,7ha. UBND quận Bình Tân đang tìm chủ đầu tư mới cho dự án này.
Đối với dự án Di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hoà có quy mô hơn 53,6ha, trong đó, diện tích thu hồi hơn 40,6ha. Mục tiêu là cải tạo môi trường sống cho hơn 300.000 dân tại khu vực tiếp giáp nghĩa trang.
Từ năm 2014, dự án triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chia làm 3 giai đoạn. Hiện nay, đã thực hiện cơ bản công tác bốc mộ, bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án giai đoạn 1 (khu 12ha), đang triển khai công tác bồi thường giai đoạn 2 (khu 11,54ha) và đang chuẩn bị cho công tác triển khai thực hiện giai đoạn 3 (khu 16ha). UBND quận tiếp tục vận động thân nhân đăng ký bốc mộ tại khu vực này.
Quận cũng đã quy hoạch 4 khu dân cư: phía Tây, phía Nam, phía Bắc, ngã 3 An Lạc. Hiện các dự án này đã có những chuyển động như thế nào?
Quận Bình Tân là một trong những quận của TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến việc dự báo và định hướng trong quy hoạch trước đây bị lạc hậu, có nhiều bất cập, không còn phù hợp theo điều kiện thực tế cần phải xem xét điều chỉnh.
Công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn quận Bình Tân đã được phủ kín. Đây là cơ sở thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, UBND quận Bình Tân đã lập 8 đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, gồm các khu dân cư: Bắc Võ Văn Kiệt, Nam Võ Văn Kiệt, Tây Bình Trị Đông, Đông Bình Trị Đông, Bắc Tân Kỳ Tân Quý, Nam Tân Kỳ Tân Quý, Ngã Ba An Lạc, Tây Quốc Lộ 1. Các dự án này đã được UBND thành phố phê duyệt, đưa vào triển khai áp dụng từ tháng 4/2019.
Hiện nay, trên địa bàn quận có 87 dự án nhà ở (74 dự án đã và đang đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng; 13 dự án đang lập thủ tục đầu tư chưa xây dựng, chậm triển khai).
Quận cũng đang có 19 dự án chung cư chung cư đã đưa vào sử dụng, cung ứng 8.254 căn hộ cho người dân.
Là quận đông dân nhất TP.HCM, chính sách của quận Bình Tân nhằm thu hút đầu tư phát triển các dự án khu dân cư của quận?
Tính đến 31/12/2020, toàn quận có 202.976 căn nhà, trong đó, loại nhà chung cư chiếm 12.970 căn, nhà ở riêng lẻ chiếm 190.006 căn.
Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở trên địa bàn quận trên 29 triệu m2. Trong đó, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ trên 27,4 triệu m2; diện tích sàn chung cư trên 1,6 triệu m2.
Diện tích bình quân nhà ở toàn quận tính đến nay đạt trên 37m2/người, ứng với dân số trên địa bàn quận 784.000 người.
Đến năm 2030, để đáp ứng nhu cầu gia tăng phát triển dân số đạt 01 triệu người; diện tích nhà ở dự kiến đầu tư trên 08 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đó, diện tích nhà ở thấp tầng cần tăng thêm 403.216m2; xây thêm 1,7 triệu m2 sàn tại các dự án chung cư và trên 5,9 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ trong dân.
Trên cơ sở các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt điều chỉnh, quận Bình Tân tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhà ở…
Khuyến khích, ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng quỹ đất 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại. Trường hợp chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện, quận sẽ kiến nghị UBND thành phố thu hồi và giao cho các nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng.
Ưu tiên phát triển nhà ở thương mại giá thấp để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn về nhà ở.
Khuyến khích các nhà đầu tư khu công nghiệp hợp tác, đầu tư xây dựng, mua lại quỹ nhà của các dự án xây dựng chung cư để bố trí nhà ở cho người lao động thuê lại.
UBND quận cũng tham mưu cho UBND TP.HCM đề nghị các chủ đầu tư dự án chung cư thương mại ưu tiên bán lại cho nhà nước một số lượng nhà ở, nhằm giải quyết đủ nhu cầu tái định cư, nhà thu nhập thấp và nhà cho người lao động thuê để ở.
Nằm trong chương trình chỉnh trang đô thị, hàng loạt tuyến đường trên địa bàn quận Bình Tân sẽ được mở rộng. Công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, trên địa bàn quận Bình Tân đang thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng 18 dự án giao thông.
Trong đó, 6 dự án đã thực hiện xong công tác bồi thường, hiện đang thực hiện thủ tục thu hồi mặt bằng.
01 dự án đang thực hiện bồi thường và thu hồi mặt bằng theo tiến độ (dự án đường Tân Kỳ Tân Quý).
03 dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất (01 dự án tạm ngưng do thay đổi chủ trương đầu tư - dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý; 02 dự án đang trình duyệt chính sách bồi thường: đường Sông Suối và đường Lê Tấn Bê).
08 dự án đang trình thẩm định hệ số điều chỉnh giá đất: đường Liên khu 3-4; đường 24A; đường số 1 nối dài; đường Bùi Tư Toàn; đường Lý Chiêu Hoàng nối dài; Rạch Hai Lớn; đường Tên Lửa; đường Lê Văn Quới.
Trong 18 dự án nêu trên, có 6 dự án chưa được bố trí vốn bồi thường trong năm 2022, gồm: dự án đường Sông Suối, đường Lê Tấn Bê, đường Số 1 nối dài, đường Bùi Tư Toàn, đường 24A và đường Lê Văn Quới.
Để đảm bảo việc thực hiện dự án đúng tiến độ, UBND quận Bình Tân đã tập trung chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể đối với lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, đối với các dự án đang thực hiện công tác bồi thường phải hoàn thành việc bồi thường, thu hồi mặt bằng trong năm 2022.
Đối với các dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất hoàn thành phê duyệt chính sách, phương án bồi thường và thực hiện việc bồi thường trong năm 2022.
Đối với các dự án còn lại, tập trung công tác thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, thời gian hoàn thành đến hết quý 2/2022.
Việc thực hiện dự án phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi nhằm tạo sự tín nhiệm và đồng thuận của người dân trong việc triển khai dự án.
Ngoài ra, quận cũng đã có 4.981 tuyến hẻm đã được phê duyệt lộ giới hẻm, từng bước đưa đô thị quận Bình Tân phát triển và ngày càng khang trang hơn.