Trong một cuộc phỏng vấn, khi được người dẫn chương trình hỏi “Liệu con chip có thể bị hack không?”, Noland Arbaugh đã trả lời: “Câu trả lời ngắn gọn là có”.
“Họ có thể nhìn thấy một số tín hiệu của não, có thể xem một số dữ liệu mà Neuralink đang thu thập", tuy nhiên, Noland Arbaugh cho biết thêm việc hack bộ phận cấy ghép não của anh sẽ không có tác dụng gì nhiều, ít nhất là vào thời điểm này.
Noland Arbaugh là một người bị liệt tứ chi 29 tuổi. Sau khi được thực hiện phẫu thuật cấy ghép con chip Neuralink có kích thước bằng một đồng xu, chứa hàng ngàn điện cực theo dõi và kích thích hoạt động của não, Noland Arbaugh cho biết con chip đã giúp anh độc lập hơn và kết nối lại với xã hội.
Theo đó, con chip đã phép Noland Arbaugh điều khiển con trỏ máy tính chỉ bằng bộ não của mình. “Tôi đã sử dụng nó để nhắn tin cho mọi người trên X, sử dụng Instagram, trả lời email, chơi các môn thể thao ảo, đọc truyện tranh trực tuyến và truy cập trang web tôi sử dụng để học tiếng Nhật”.
Nếu hacker có thể điều khiển con chip, điều này có nghĩa hắn có thể điều khiển chuột để truy cập vào máy tính của Noland Arbaugh. Tuy nhiên, Neuralink đã cảnh báo về rủi ro này trước khi Noland Arbaugh chấp nhận thực hiện phẫu thuật nhưng anh ấy không lo lắng về điều đó.
Người sáng lập Neuralink, Elon Musk, từng cho biết một ngày nào đó con chip này sẽ giúp chữa trị những vấn đề về tâm thần như chứng tự kỷ và tâm thần phân liệt. Điều đó đã bị tranh cãi bởi một số nhà khoa học thần kinh, những người không nghĩ rằng con chip sẽ có thể thay đổi cấu trúc phát triển của não bị ảnh hưởng bởi một số điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại con chip của Neuralink đang cho thấy những tiềm năng có thể thay đổi ngành y tế trong tương lai khi đã giúp bệnh nhân bị liệt như Noland Arbaugh cải thiện khả năng vận động. Elon Musk hy vọng sẽ làm cho chip Neuralink trở nên phổ biến và biến chúng thành một phần trong hộp sọ của mọi người.
Công ty khởi nghiệp cấy ghép não Neuralink của vị tỷ phú hiện đang mở đơn đăng ký cho người tham gia thử nghiệm thứ hai.