Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy tỷ lệ ca bệnh cúm trung bình hàng năm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới. Bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cúm lưu hành quanh năm, dễ bùng phát thành dịch. Hiện thời tiết miền Bắc trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ và độ ẩm không khí chênh lệch cao là điều kiện thuận lợi cho virus lây bệnh cúm phát triển. Tốc độ đô thị hóa nhanh có thể khiến dịch lan rộng.
Ngày 24/3 vừa qua, Bộ Y tế đã đưa thông tin về trường hợp mắc cúm A/H5N1 tử vong tại Khánh Hòa. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 tại nước ta kể từ năm 2014 đến nay. Thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh có dấu hiệu khởi phát khá giống nhau như cúm A/H5N1, cúm mùa, Covid-19… người dân không nên chủ quan, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc tự ý điều trị sai, gây hậu quả đáng tiếc.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM, các triệu chứng của bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 có thể bao gồm: Sốt (thường sốt cao, > 38°C), khó chịu, ho, đau họng, đau cơ. Các triệu chứng khác như: đau bụng, đau ngực, tiêu chảy. Đặc biệt, người mắc bệnh cúm gia cầm thường có nguy cơ diễn tiến bệnh rất nhanh, biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy, thậm chí là tử vong.
Trong khi đó, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. ThS.BSNT Nguyễn Trọng Hưng, Phó Đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, phần lớn bệnh nhân mắc cúm mùa đều có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng, chảy nước mũi, trong đó, sốt và sổ mũi là 2 triệu chứng chính. Ngoài ra, người mắc cúm có thể xuất hiện một số triệu chứng như: Ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi hoặc nôn mửa, tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
Khi nhiễm cúm, cơ thể có thể sẽ chịu tác động nặng nề, cụ thể như cúm mùa làm tăng gấp 8 lần nguy cơ đột quỵ; tăng gấp 10 lần nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim; tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi; tăng 74% nguy cơ về biến cố bất thường liên quan đến bệnh đái tháo đường… Đối với người trên 60 tuổi, mắc bệnh lý nền như đái tháo đường, COPD… thì nguy cơ tử vong do cúm cũng cao hơn, chẳng hạn như: nguy cơ tử vong tăng gấp 5 lần đối với bệnh nhân tim mạch; đối với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, thì nguy cơ tử vong tăng 12 lần. Tỷ lệ này thậm chí gấp 20 lần đối với bệnh nhân có bệnh lý nền bao gồm cả bệnh tim mạch và bệnh phổi.
Biến chứng nguy hiểm do cúm cũng có thể xảy ra ở người suy giảm miễn dịch do ghép nội tạng, ung thư máu, HIV/AIDS, sử dụng steroid kéo dài, mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, tim mạch... Bác sĩ Hương cho biết người bệnh cúm không được điều trị đúng cách có khả năng bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến viêm xoang, viêm tai giữa, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan, nhất là thận và phổi, nhiễm trùng huyết. Với người lớn tuổi có bệnh mạn tính, viêm phổi do cúm có thể dẫn tới tử vong.
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển biến nghiêm trọng gồm sốt cao liên tục, chậm đáp ứng thuốc hạ sốt; khó thở, tức ngực; mất ý thức; co giật; có dấu hiệu mất nước (môi và da khô, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu vàng đậm); môi hoặc móng tay hơi xanh... Người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị chuyên sâu.
Hiện nay, tại các bệnh viện nhi TP.HCM, lượng bệnh nhi nhập viện thời điểm này gia tăng. Sở Y tế TPH.M cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy cúm mùa là một trong những tác nhân gây bệnh trong giai đoạn này. Nguy hiểm là một số trẻ mắc bệnh trở nặng. Tuy nhiên, bệnh cúm có thể dự phòng bằng vaccine. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân chủ động tiêm ngừa phòng bệnh, đặc biệt là tiêm hàng năm để đảm bảo kháng thể phòng bệnh.
Lợi ích từ việc tiêm ngừa cho thấy giúp giảm nguy cơ đối với người có bệnh nền mạn tính như tim mạch (giảm 48% nguy cơ tử vong), COPD (giảm 70% nguy cơ tử vong), tiểu đường (giảm 58% nguy cơ tử vong). Ngoài người lớn, việc phòng ngừa vaccine cúm còn giúp cho trẻ em giảm nhiều biến chứng khi mắc bệnh cúm.
Theo bác sĩ Hưng, người bị cúm có thể lây nhiễm cho người khác trong thời gian ủ bệnh từ một ngày trước khi có triệu chứng đến 5 - 7 ngày sau khi phát bệnh. Với trẻ nhỏ hoặc người có sức đề kháng kém, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài khoảng hai tuần. Bác sĩ Hưng khuyến cáo xây dựng và duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm như đeo khẩu trang khi ra ngoài. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trong 30 giây hoặc sử dụng nước rửa tay khô sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, ho hoặc xì mũi, chạm vào động vật...
Các biện pháp phòng ngừa khác như không đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch chuyên dụng. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất, không bỏ bữa.
Ưu tiên rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin A, C, hỗ trợ bảo vệ cơ thể chống lại tác hại từ gốc tự do, tăng cường khả năng miễn dịch. Giữ gìn không gian sống sạch sẽ, lau chùi, hút bụi trong nhà; thay vỏ ga, gối, giặt rèm cửa thường xuyên... Người mắc bệnh, nên tự cách ly trong phòng riêng ít nhất 24 giờ kể từ thời điểm hết sốt để tránh lây lan cho người xung quanh.