June 11, 2010 | 15:26 GMT+7

Cho nước ngoài thuê đất trồng rừng: “Quan điểm của tôi là không!”

Nguyên Hà

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nói về việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay - Ảnh: Thế Dũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay - Ảnh: Thế Dũng.
Phần lớn số diện tích đất đã giao cho các công ty nước ngoài trồng rừng nằm trong khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh, cần phải xem xét lại thẩm quyền của các địa phương trong việc này…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, ông Lê Quang Bình, nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (11/6).

Trước đó, trong hội trường, ông đã chỉ ra “độ chênh” giữa các con số tại báo cáo của Chính phủ và giám sát của Ủy ban trong việc cho các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng.

Không phải là các tỉnh không hỏi

Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói đất rừng cho thuê đều là đất được quy hoạch để trồng rừng sản xuất, nhưng kết quả giám sát của ủy ban như ông cho biết thì lại không hoàn toàn như vậy...

Vừa rồi chúng tôi đã khảo sát, nếu nói chính xác thì phần lớn số diện tích đã ký và đã giao cho các công ty nước ngoài trồng rừng, phần nhiều nằm trong khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh. Trong đó có một số thuộc rừng đầu nguồn, rừng sinh thái, rừng cần phải bảo vệ. Đấy cũng là điểm khác nhau ở hai báo cáo có lẽ nên xem xét lại cho chính xác.

Trên hội trường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng thẩm quyền giao đất là của địa phương, khi nào tỉnh yêu cầu thì bộ mới có ý kiến. Vậy ý kiến của Ủy ban thế nào, thưa ông?

Tôi đề nghị là cần phải xem xét lại thẩm quyền giao cho các địa phương giao đất cho các công ty trồng rừng. Nếu như bây giờ vẫn giao quyền như cũ là địa phương được giao cả trăm nghìn ha đất trồng rừng thì Chính phủ, đặc biệt các bộ liên quan phải tăng cường kiểm tra.

Nhưng qua giám sát thực tế các địa phương, nhất là đi sâu vào tỉnh Kon Tum thì các địa phương trước khi ký kết đều có báo cáo Chính phủ, báo cáo Thủ tướng, báo cáo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn nhưng các bộ trả lời rất chung chung.

Ví dụ như trả lời đồng ý về chủ trương nhưng đề nghị phải hỏi thêm ý kiến Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, rồi đề nghị phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai.

Tôi xem các công văn thì thấy có trường hợp địa phương hỏi đi hỏi lại tới 3 - 4 lần nhưng mà cũng không có trả lời. Cuối cùng không có trả lời thì tỉnh cứ ký thôi.

Thưa ông, có trường hợp ở các địa phương khi cấp phép cũng không nắm rõ khu vực nào là trọng yếu về quốc phòng an ninh?

Như tôi đã nói các tỉnh trước khi ký có xin ý kiến thì Bộ Quốc phòng bảo vấn đề này đề nghị hỏi lại quân khu. Hỏi quân khu thì có những dự án quân khu không trả lời, lại bảo cái này thuộc Bộ Quốc phòng.

Có những quân khu thì có trả lời, ví dụ như Quân khu 4 có trả lời một vài dự án thôi chứ không phải hết, nhưng như Quân khu 5 thì lại bảo cái đó thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh thấy lâu quá nên tỉnh cứ ký.

Vấn đề nữa là việc này xảy ra cũng lâu rồi nhưng các bộ không đi kiểm tra. Đến khi đồng chí Nguyên (nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Đồng Sỹ Nguyên - PV) nêu vấn đề lên báo thì lúc đó Chính phủ mới bắt đầu họp để mà kiểm tra.

Ngay Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng vậy thôi, khi có ý kiến của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên mới đi nghiên cứu đi khảo sát. Và sau khi đi về thì chúng tôi đã có văn bản báo cáo chính thức với Thủ tướng Chính phủ, với Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi.

Cho nước ngoài thuê đất rừng là vô lý

Chính xác là báo cáo đó được gửi đến Chính phủ từ thời điểm nào, thưa ông?

Chúng tôi gửi khi khai mạc kỳ họp này.

Vừa rồi Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng nói con số tại báo cáo giám sát của ủy ban là đúng. Vậy tại sao ngày 7/6, Chính phủ gửi báo cáo đến Quốc hội vẫn có nhiều con số “vênh” khá lớn so với kết quả giám sát của ủy ban?

So với số mà chúng tôi đã đi khảo sát thì đúng là vênh cả tổng số dự án, vênh cả các tỉnh đã cho thuê đất, vênh cả diện tích đã ký, diện tích đã giao... đều vênh.

Nhưng tôi đang nghĩ có hai khả năng, khả năng thứ nhất là con số Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy từ tháng 12/2009, còn như chúng tôi vừa rồi làm là mới làm xong trước kỳ họp Quốc hội. Có thể thời điểm khác nhau là con số nó khác nhau nhưng mà chứng tỏ là có sự vênh.

Còn về giải pháp thì tại văn bản nói trên Ủy ban đã nêu kiến nghị cụ thể gì với Chính phủ và Quốc hội, thưa ông?

Chúng tôi kiến nghị là bây giờ phải tiến hành cho điều tra lại, những dự án nào có thể không ảnh hưởng nhiều đến quốc phòng an ninh và đã trót giao cho các công ty nước ngoài mà cần giữ quan hệ lâu dài thì mới cho tiếp tục làm. Thế còn dự án nào liên quan tới an ninh quốc phòng thì kiên quyết rút giấy phép đầu tư. Nhưng mà trước mắt cần kiểm tra, ngăn chặn ngay việc các tỉnh tiếp tục cho thuê đất rừng.

Như ban nãy Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói Chính phủ sẽ họp để rà soát lại. Chúng tôi sẽ chờ xem Chính phủ rà soát lại cho những dự án nào tiếp tục, còn dự án nào là rút giấy phép đầu tư thì chúng tôi sẽ theo dõi và nếu xét thấy dự án tiếp tục cho làm, có ảnh hưởng liên quan đến quốc phòng an ninh thì chúng tôi sẽ kiến nghị tiếp.

Xin được hỏi theo quan điểm cá nhân thì ông cho rằng có nên cấp đất rừng cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê sản xuất lâu dài không?

Quan điểm của tôi là không! Tôi nói dứt khoát là không.

Vì sao? Vì các doanh nghiệp của chúng ta đang cần đất trồng rừng thì lại không giao, mà chúng ta lại phải đi thuê đất rừng ở Campuchia và Lào để trồng rừng.

Khi bàn về trồng mới 5 triệu ha rừng, chính bản thân nhiều đại biểu Quốc hội, người dân các địa phương và Chính phủ cũng nói là bây giờ không lấy đâu ra 5 triệu ha đất mà trồng rừng vì đã giao hết cho doanh nghiệp, người dân trồng rừng rồi. Rồi một số lớn rừng đầu nguồn, rừng sinh thái không còn.

Mặt khác, tôi thấy bây giờ người dân đang rất cần diện tích để trồng rừng vì dân ở miền núi, dân ở rừng người ta phải sống bằng rừng. Bây giờ dân không có đất trồng rừng mà lại đi giao cho nước ngoài, thế là vô lý.

Cho nên quan điểm của tôi là đề nghị không giao rừng, không giao đất trồng rừng cho các công ty nước ngoài. Trước hết là phải giao đất cho người dân trồng rừng, sau đó là ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước.

Công khai cho cử tri biết

Như trên ông đã nói các địa phương đã có xin ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng, nhưng hầu như không nhận được trả lời nên dẫn tới sự cấp phép bất cập như đã nói. Vậy Quốc hội có kiến nghị xử lý trách nhiệm những bộ ngành liên quan vì sự quan liêu này không?

Tôi cho cái này là kỷ luật hành chính. Địa phương có xin ý kiến chứ không phải không xin. Thậm chí còn 2 - 3 cái lần xin vì chúng tôi có trong tay các văn bản đấy nhưng trả lời rất chung chung, trả lời không dứt khoát.

Vậy theo ông thì tới đây nên giao cho bộ nào thống nhất quản lý việc này?

Cũng nên mạnh dạn giao cho các tỉnh nhưng có lẽ về quy mô cần xem xét lại. Thứ hai là tăng cường kiểm tra kiểm soát và cần có quy định chặt chẽ về thể thức. Ví dụ trước khi giao là phải báo cáo Chính phủ có ý kiến, chỉ khi nào Chính phủ đồng ý bằng văn bản mới được làm. Chứ còn để Trung ương ôm đồm cũng không nên.

Theo tôi ngay kết thúc kỳ họp này đề nghị Chính phủ phải họp lại để bàn sâu vấn đề này, phải xử lý ngay, phải dứt khoát và đồng thời công bố công khai rộng rãi vấn đề này để cho nhân dân được biết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate