March 30, 2023 | 16:46 GMT+7

Cho vay nông nghiệp nông thôn lần đầu tiên vượt 1 triệu tỷ đồng

Chương Phượng -

Các ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội cung cấp tín dụng tín chấp cho hơn 3 triệu hộ nông dân, với tổng dư nợ hiện đã lên hơn 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn những hộ nông dân được cấp vốn họ tự mày mò để sử dụng nguồn vốn mà không có sự hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đó sao cho hiệu quả, sinh lời…

Hàng năm, ngân hàng cung cấp tín dụng tín chấp cho hơn 3 triệu hộ nông dân.
Hàng năm, ngân hàng cung cấp tín dụng tín chấp cho hơn 3 triệu hộ nông dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan vừa có buổi làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Chính sách Xã hội về việc đẩy mạnh chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn.

CẦN TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN TRAO ĐỔI GIỮA NGÂN HÀNG VÀ NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Ngân hàng Chính sách xã hội đã đóng góp rất lớn trong lĩnh vực phát triển nông thôn, đặc biệt trong đề án phát triển nông thôn mới.

Theo số liệu báo cáo, mô hình tổ chức chân rết của ngân hàng rất lớn, đã có đến 60.000 tổ tiết kiệm vay vốn, trong đó Ngân hàng Chính sách có hơn 10.000 điểm giao dịch xuống đến cấp xã, đó là điểm mạnh để người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Tuy nhiên, bà Yến cho rằng tín dụng cho vay cá nhân trong sản xuất nông hộ theo nhóm nông dân, nhóm hợp tác xã nhỏ lẻ hiện nay vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất thêm một số mục tiêu cụ thể hơn, có thêm nhiều nội dung và có nhiều đánh giá tổng kết tốt hơn.

Cụ thể, như việc vay vốn gắn với bảo hiểm cho người dân góp phần giảm thiểu nợ xấu phát sinh do các nguyên nhân từ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, bệnh tật ốm đau do tác động môi trường khi sử dụng hóa chất, thiên tai, dịch bệnh... để lại rủi ro không mong muốn. Đây cũng là một điểm sáng tích cực trong hoạt động vay vốn đến người dân nghèo.

Theo bà  Yến, thực tế tình hình hiện nay để thực hiện các dự án, các doanh nghiệp rất cần có nguồn vốn lớn. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn có được các điều khoản cụ thể, thể chế rõ ràng để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp, phát huy được vai trò mỗi bên trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 

"Phía ngân hàng cũng cần tham gia hỗ trợ vào các đề án, dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay từ khi bắt đầu để hiểu người nông dân và người sản xuất, địa phương cần gì, từng bước triển khai hỗ trợ vốn mức độ như thế nào. Chính vì vậy, cả 2 bên cần tăng cường trao đổi nhiều hơn nữa để tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc mà chính sách chưa được thông suốt".

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Bên cạnh đó, để thực hiện được các đề án nông nghiệp tại các địa phương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để có thông tin về hoạt động, chủ trương chính sách và các quy định về định mức của cây trồng vật nuôi..., nhu cầu về tài chính của địa phương, qua đó phục vụ cho việc thẩm định tài chính thuận lợi, cấp vốn đúng và đủ tới người dân. Cùng với đó là đưa ra các chương trình hợp tác ưu đãi giảm áp lực tài chính để người dân yên tâm sản xuất. 

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Chúng ta cần phá bỏ các rào cản không chỉ ở Bộ mà cần cả ở địa phương. Ở cương vị quản lý, bản thân chúng tôi cũng phải hiểu các chính sách, điều kiện từ ngân hàng, các đối tượng được vay và mức độ vay, có như vậy mới hỗ trợ đúng và đủ cho người dân.

"Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông đang có đề án về khuyến nông cộng đồng, chúng tôi đề xuất ngân hàng tham gia ngay từ đầu vào nhóm xây dựng đề án này, để phía ngân hàng hiểu được bà con cần vốn và cần ở hàng mục nào, giai đoạn nào trong quá trình triển khai đó. Như vậy sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, khó đến đâu tháo gỡ đến đó, hạn chế được ách tắc nguồn vốn khi đề án đi vào hoạt động" ông Thanh nói.

PHẢI GIÚP NÔNG DÂN THAY ĐỔI TƯ DUY, KHÔNG Ỷ LẠI VÀO CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Cuộc gặp lần này rất quan trọng, thể hiện sự thống nhất đồng lòng để phục vụ cho sự phát triển của nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam.

Ngân hàng Chính sách xã hội tiền thân là ngân hàng hỗ trợ cho người nghèo tách ra từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do đó chúng ta cần chung tay giúp người dân chuyển đổi từ thoát nghèo sang phát triển kinh tế theo tư duy làm giàu từ nông nghiệp, nghĩa là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, muốn như vậy thì cần phát triển chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ bền vững.

Ông Phạm Đức Ấn thông tin, đến hết năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn lần đầu tiên đã vượt qua 1 triệu tỷ đồng, chiếm 71,49% tổng dư nợ của ngân hàng Agribank. Hàng năm, ngân hàng cung cấp tín dụng tín chấp cho hơn 3 triệu hộ nông dân.

 

"Mặc dù ngân hàng đã có những điều kiện khi cho vay nhưng rủi ro là không thể tránh được, do vậy cần có các chính sách, điều kiện chặt chẽ và cần nhất là thay đổi tư duy người dân từ nhận thức đến cách thức sản xuất để làm sao người dân khi tiếp cận nguồn vốn có đời sống cao hơn, nguồn vốn phải sinh lời và phát triển bền vững được thì rủi ro sẽ giảm”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Sau 20 năm hoạt động cho đến nay, chúng tôi thấy còn một số khó khăn ảnh hưởng một phần đến quá trình hỗ trợ vốn. Một số hộ nông dân được cấp vốn họ tự mày mò để sử dụng nguồn vốn mà không có sự hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đó sao cho hiệu quả, sinh lời.

“Do đó, ngoài những nỗ lực từ chính sách cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, hộ sản xuất... trong chuỗi liên kết sản xuất, nhằm đem lại giá trị gia tăng, thu nhập cao cho nông dân. Từ nguồn vay của ngân hàng Chính sách xã hội nếu sử dụng hiệu quả, người nông dân thoát nghèo sẽ là đối tượng khách hàng tiềm năng tiếp theo của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", ông Hải chia sẻ.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là rất cần thiết, đây là nguồn lực lớn giúp cho nông dân thoát nghèo, đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, muốn sử dụng đồng vốn hiệu quả, ngoài chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì các ngân hàng phải giúp nông dân thay đổi tư duy, không ỷ lại vào bất kỳ chương trình hỗ trợ nào, thậm chí là chương trình hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Phải giúp người nông dân hình thành tư duy thị trường, phải hiểu và tự chịu trách nhiệm với nguồn vốn vay, hỗ trợ của mình.

"Đưa đời sống người dân ngày càng tốt hơn, xây dựng đất nước văn minh hơn không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate