November 19, 2024 | 12:05 GMT+7

Choáng váng khối ngoại bán ròng hơn 1.100 tỷ

Kim Phong -

Hơn 27% tổng giá trị giao dịch của sàn HoSE sáng nay là lệnh bán từ nhà đầu tư nước ngoài. Khối này không phải xả hàng đột biến, thậm chí chỉ tăng nhẹ 4% so với sáng hôm qua nhưng mức mua vào quá thấp, dẫn đến vị thế bán ròng cao choáng váng với 1.110 tỷ đồng...

Các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm khá nhẹ là một yếu tố tích cực.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm khá nhẹ là một yếu tố tích cực.

Hơn 27% tổng giá trị giao dịch của sàn HoSE sáng nay là lệnh bán từ nhà đầu tư nước ngoài. Khối này không phải xả hàng đột biến, thậm chí chỉ tăng nhẹ 4% so với sáng hôm qua nhưng mức mua vào quá thấp, dẫn đến vị thế bán ròng cao choáng váng với 1.110 tỷ đồng.

Phiên sáng gần nhất vốn ngoại bán ròng vượt ngưỡng 1.000 tỷ là ngày 7/8/2024 với 1.044 tỷ đồng. Ngưỡng kỷ lục là -1.921 tỷ đồng trong phiên ngày 8/7/2024. Từ đầu năm 2024 đến nay cũng chỉ có 3 phiên mức bán ròng trong phiên sáng quá 1.000 tỷ và hôm nay là phiên thứ 4.

Thực tế quy mô bán ra của nhà đầu tư nước ngoài sáng nay không phải là đột biến, đạt khoảng 1.486,6 tỷ đồng trên sàn HoSE. Phiên sáng thứ Sáu tuần trước khối này còn bán tới 1.502,7 tỷ đồng. Con số giá trị bán ròng lớn là do phía mua chỉ có 376,2 tỷ. Như vậy cầu ngoại đang là vấn đề chính khiến vị thế ròng trở nên bi đát như vậy. Mặt khác, hôm nay cũng là phiên sáng thứ 4 liên tiếp giá trị bán của nhà đầu tư nước ngoài vượt 1.000 tỷ đồng.

Về mặt số lượng, giá trị bán ròng tập trung vào số ít cổ phiếu. Cụ thể: FPT -226,3 tỷ, VHM -208 tỷ, HDB -178,4 tỷ, HPG -76,4 tỷ, SSI -61,8 tỷ, MWG -38,7 tỷ, DGC -32,7 tỷ. Tính riêng rổ VN30 hiện đang bị bán ròng 915,4 tỷ đồng. Có vẻ như khối ngoại đang có hoạt động cơ cấu danh mục mạnh mẽ.

Một điều khá tích cực là nhiều giao dịch trong áp lực bán nói trên được thực hiện qua thỏa thuận, đồng thời các cổ phiếu bị bán nhiều cũng không giảm mạnh tất cả: FPT giảm 2,24%, DGC giảm 1,27%, HPG giảm 0,58%, SSI giảm 0,62%, HDB tăng 1,02%, VHM tăng 2,94%. VN30-Index hiện mới giảm nhẹ 0,27% và tất cả đều có diễn biến phục hồi giá. Thời điểm rổ này kém nhất chỉ có 3 mã tăng, còn lại toàn giảm. Đến cuối phiên sáng đã có 10 mã tăng/15 mã giảm.

Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường vẫn có 4 mã xanh là BID tăng 1,12%, VHM tăng 2,94%, GAS tăng 0,14%, VIC tăng 0,5%. Trong 6 mã đỏ thì duy nhất FPT giảm 2,24% là đáng kể còn lại đều rất nhẹ. Điều này giúp VN-Index giảm bớt áp lực và chỉ mất 1,52 điểm (-0,12%) so với tham chiếu.

Choáng váng khối ngoại bán ròng hơn 1.100 tỷ - Ảnh 1

Thị trường vẫn đang có sức ép từ phía bán khi nhà đầu tư tranh thủ giá hồi để cắt lỗ. Sau phiên đảo chiều khá tích cực hôm qua, đầu phiên sáng nay VN-Index vẫn có vài phút xanh. Đến 9h30 độ rộng chỉ số vẫn còn tốt với 123 mã tăng/111 mã giảm. Đến 10h30 đã có 108 mã tăng/209 mã giảm và kết phiên là 112 mã tăng/220 mã giảm. Như vậy áp lực bán tạo hiệu quả giảm giá trên diện khá rộng.

Hiệu ứng chính khiến giá giảm diện rộng như vậy là dòng tiền chững lại thấy rõ. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE sáng nay tụt xuống mức 4.147 tỷ đồng, giảm 28% so với sáng hôm qua, kém nhất 10 phiên. Nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại và “buông” để bên bán lấn át hoàn toàn.

Mặc dù có tới 220 cổ phiếu đỏ nhưng thanh khoản rất thấp là một tín hiệu lạc quan. Toàn sàn HoSE đang có 78 cổ phiếu giảm quá 1% nhưng chỉ vài mã thanh khoản đáng kể như FPT với 647 tỷ đồng; MWG với 115,8 tỷ, giá giảm 1,7%; CTR với 90,2 tỷ, giá giảm 1,76%; DGC với 59,5 tỷ, giá giảm 3,89%; DXG với 57,3 tỷ, giá giảm 1,52%. Tính chung toàn bộ 78 cổ phiếu yếu nhất này chiếm 32,4% tổng giá trị khớp cả sàn nhưng 80% thuộc về 5 cổ phiếu thanh khoản cao nhất.

Phía tăng giá cũng chỉ có 40 mã tăng hơn 1%, thanh khoản còn tệ hơn. Đáng chú ý chỉ có VHM với 647,2 tỷ; HDB với 93,7 tỷ, giá tăng 1,02%. 6 mã duy nhất còn lại khớp quá 10 tỷ là NVL tăng 2,37%, VTP tăng 1,22%, HAG tăng 2,63%, BID tăng 1,12%, VOS tăng 2,6% và PLX tăng 2,92%.

Như vậy nếu bỏ qua mức bán ròng cực mạnh của khối ngoại, về cơ bản thị trường sáng nay giao dịch chậm, thanh khoản rất nhỏ và phần lớn cổ phiếu dao động hẹp. Điều này tạo cơ hội tốt cho phục hồi nếu dòng tiền tăng trở lại trong buổi chiều. Sau các nhịp ép giá chóng mặt, áp lực cắt lỗ có vẻ đã nhẹ đi đáng kể.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate