July 08, 2024 | 12:18 GMT+7

Choáng váng khối ngoại bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng, sức ép chốt lời tăng vọt

Kim Phong -

Trừ vài phút đầu tiên khá tích cực sau khi mở cửa, gần trọn thời gian sáng nay thị trường rơi vào nhịp lao dốc khá mạnh. Biên độ giảm tối đa của VN-Index tới gần 10 điểm và độ rộng đảo chiều nhanh chóng, xác nhận có áp lực bán tăng vọt khi thanh khoản sàn HoSE cũng tăng 23%. Đặc biệt khối ngoại xả dữ dội gần 2.136 tỷ đồng, trong đó bán ròng sàn HoSE tới 1.921 tỷ đồng...

Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường hôm nay, bất kể giá còn xanh hay đỏ, đều đã trượt giảm rất mạnh so với đỉnh đầu ngày.
Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường hôm nay, bất kể giá còn xanh hay đỏ, đều đã trượt giảm rất mạnh so với đỉnh đầu ngày.

Trừ vài phút đầu tiên khá tích cực sau khi mở cửa, gần trọn thời gian sáng nay thị trường rơi vào nhịp lao dốc khá mạnh. Biên độ giảm tối đa của VN-Index tới gần 10 điểm và độ rộng đảo chiều nhanh chóng, xác nhận có áp lực bán tăng vọt khi thanh khoản sàn HoSE cũng tăng 23%. Đặc biệt khối ngoại xả dữ dội gần 2.136 tỷ đồng, trong đó bán ròng sàn HoSE tới 1.921 tỷ đồng.

Diễn biến trong khoảng 15 phút sau khi có giá mở cửa vẫn khá tốt: VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 9h30, trên tham chiếu khoảng 4 điểm. Độ rộng rất mạnh với 227 mã tăng/111 mã giảm. Từ đó đến khoảng 11h10 là nhịp giảm kéo dài, mức giảm tối đa 5,4 điểm. Độ rộng tại đáy chỉ còn 160 mã tăng/253 mã giảm. Rõ ràng sức ép đã xuất hiện trên diện rộng mới đảo chiều được giá ở số lớn cổ phiếu như vậy. Kết phiên sáng, VN-Index còn giảm 1,38 điểm (-0,11%) nhờ xuất hiện nhịp hồi lại. Độ rộng chốt phiên ghi nhận 179 mã tăng/234 mã giảm.

Đáng lưu ý là thanh khoản sàn HoSE tăng rất cao, đạt hơn 8.490 tỷ đồng khớp lệnh, mức đỉnh trong vòng 10 phiên. Thanh khoản mạnh, giá cổ phiếu giảm trên diện rộng cũng là biểu hiện thường thấy của áp lực bán tăng lên.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán nhiều kỷ lục với 1.921 tỷ đồng trên sàn HoSE, đã vượt qua kỷ lục 1.185 tỷ đồng của phiên ngày 27/3/2024. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng tới gần 1.598 tỷ đồng. Dĩ nhiên khá nhiều trong số này được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận nhưng cũng có không ít mã bị bán thẳng qua khớp lệnh. Dẫn đầu là HDB -491,5 tỷ đồng ròng, STB -289,2 tỷ, SAB -189,2 tỷ, MWG -157,8 tỷ, FPT -127,6 tỷ, SCS -118,4 tỷ, VRE -67,9 tỷ, HGP -67,7 tỷ, MSN -66,2 tỷ, VHM -62,3 tỷ… Trên UpCOM ghi nhận ACV bị bán ròng 222,8 tỷ đồng.

Áp lực từ khối ngoại cũng là một yếu tố khiến nhóm cổ phiếu blue-chips sáng nay suy yếu nhanh. VN30-Index giảm 0,27% trong khi Midcap tăng 0,23%, Smallcap tăng 0,47%. Rổ VN30 từ chỗ chỉ có duy nhất VHM đỏ, đến cuối phiên sáng đã tới 16 mã đỏ/8 mã xanh. Biên độ trượt giá khá rộng xuất hiện ở SAB, BVH, STB, VRE… Thống kê rổ này có tới 18/30 cổ phiếu trượt giá hơn 1% so với mức đỉnh đầu ngày. MWG, HPG, GVR, BCM, POW, TPB là các mã còn xanh nhưng cũng phải trả lại hơn 1% điểm tăng chỉ trong buổi sáng.

Chỉ số VN30-Index cho thấy các blue-chips chịu sức ép từ rất sớm.
Chỉ số VN30-Index cho thấy các blue-chips chịu sức ép từ rất sớm.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có khá hơn khi đại đa số các mã tăng giá tập trung tại đây. Trong 179 cổ phiếu đang đi ngược dòng thì 75 mã tăng trên 1% so với tham chiếu và rổ VN30 chỉ đóng góp 2 mã là MWG tăng 1,1% và PLX tăng 1,55%. Một số mã khác giao dịch khá sôi động là DCM tăng 4,53% thanh khoản 310,4 tỷ đồng; HSG tăng 1,4% với 250,1 tỷ; HDG tăng 2,54% với 156,6 tỷ; HAH tăng 1,2% với 128,3 tỷ; TCH tăng 1,02% với 122,8 tỷ; DPM tăng 1,74% với 116,1 tỷ. Dù vậy ngay cả những cổ phiếu còn khỏe và có dòng tiền tốt nhất này thì giá đều cũng đã bị ép xuống hơn 1%.

Ở phía giảm giá, dù số lượng khá nhiều (234 mã) nhưng cũng mới có 60 mã giảm quá 1%. Hầu hết số này đã yếu ngay từ đầu và khi thị trường lao dốc thì giảm sâu hơn. Số còn lại đầu phiên vẫn tăng tốt nên tốc độ giảm chưa đủ nhanh để ép quá mạnh dưới tham chiếu. Giao dịch đáng chú ý là DXG giảm 3,33% với 267,6 tỷ đồng khớp lệnh; STB giảm 1% với 200,9 tỷ; VRE giảm 1,44% với 198,7 tỷ; VHM giảm 1,17% với 138,3 tỷ; DIG giảm 1,3% với 138,2 tỷ; KDH giảm 2,61% với 119,5 tỷ.

Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng 24% so với phiên trước, đạt 9.212 tỷ đồng. HoSE tăng 23%. Mức giao dịch lớn và giá trượt giảm không phải là sự kết hợp tốt. Sau một tuần tăng liên tục cả 5 phiên, lợi nhuận ngắn hạn tích cực đã khuyến khích nhà đầu tư hiện thực hóa. Mặc dù sức ép từ bên bán chưa đẩy giá cổ phiếu giảm quá sâu nhưng cũng là tín hiệu của một đợt thoát hàng lớn, vì trước đó thanh khoản tích lũy chiều tăng cũng rất nhỏ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate