Những lo lắng nhất định về tình hình dịch bệnh Covid cuối ngày hôm qua khiến thị trường có chút chao đảo đầu giờ. Thế nhưng nhà đầu tư lại coi đó là cơ hội để mua và lượng tiền đổ vào quay trở lại ngưỡng khổng lồ.
Thị trường giảm rất mạnh ngay lúc mở cửa. VN-Index mất ngay 1,43% so với tham chiếu và rơi xuống mức 988,71 điểm. Giá trị khớp lệnh đợt ATO khá nhỏ, sàn HSX chỉ có 502,7 tỷ đồng. Tuy nhiên ngay sau đó nhà đầu tư đã dốc tiền mua ồ ạt, đẩy thanh khoản tăng rất nhanh.
Lực mua lớn đã giúp cổ phiếu quay đầu hồi dần về phía tham chiếu. Mặc dù tốc độ phục hồi khá chậm, nhưng từ chỗ giảm hơn 14 điểm đầu ngày, VN-Index đến cuối phiên sáng đã thu hẹp lại còn giảm hơn 6 điểm.
Chỉ riêng sàn HSX buổi sáng đã khớp lệnh tới 6.131 tỷ đồng và tính chung 2 sàn là 6.857 tỷ đồng. Mức giao dịch này cao hơn sáng hôm qua khoảng 23%. Đến cuối phiên sáng cũng mới có rất ít cổ phiếu quay lại tham chiếu, đại đa số vẫn đỏ, nhưng mức giảm đã nhẹ đi rất nhiều.
Đến chiều thị trường thực sự bước vào một nhịp tăng tưng bừng và kéo dài. VN-Index đến gần 2h đã vượt được ngưỡng tham chiếu và bắt đầu tăng gấp gáp do nhà đầu tư được khích lệ bởi diễn biến đảo chiều thành công. Độ rộng của VN-Index bắt đầu tốt dần lên và cân bằng với số giảm, trong đó nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lại bắt đầu tăng mạnh, khiến chỉ số cũng tăng tốc leo dốc.
Chốt phiên VN-Index tăng so với tham chiếu 5,79 điểm tương đương 0,58%. Chỉ số dừng tại 1.008,87 điểm. Như vậy VN-Index tuy chưa lấy lại được hết mức giảm hôm qua (-7,14 điểm) nhưng mức phục hồi gần như khiến thị trường không còn dấu vết gì của sự hoảng loạn đầu ngày. Đặc biệt nếu nhìn vào thành quả đảo chiều trong ngày thì VN-Index tăng tới trên 20 điểm, tương đương 2,04% so với đáy thấp nhất.
Nhóm trụ nỗ lực nhất đẩy VN-Index phục hồi nhanh hơn là VIC tăng 1,06%, VNM tăng 1,39%, SAB tăng 1,04%, CTG tăng 1,19%, VPB tăng 4,1%, VHM tăng 0,85%.
So với đáy, các cổ phiếu này tăng cực mạnh: VIC tăng 2,14%, VNM tăng 2,38%, SAB tăng 1,79%, CTG tăng 3,04%, VPB tăng 5,88%, VHM tăng 2,21%. Nếu nhà đầu tư nào dũng cảm bắt đáy đầu phiên sáng thì phần thưởng là không hề nhỏ.
VN30-Index đóng cửa với mức tăng 1,08% so với tham chiếu và có 18 mã tăng/7 mã giảm. Đáy đầu phiên chỉ số này giảm khoảng 1,45% so với tham chiếu. Như vậy mức tăng trong phiên lên tới 2,57%.
Độ rộng chung của sàn HSX lúc đóng cửa là 224 mã tăng/196 mã giảm. Chỉ số VN30-Index chốt phiên đạt 976,35 điểm, tức là còn cao hơn mức đóng cửa phiên ngày 27/11. Chỉ số này không những san bằng mức giảm hôm qua mà còn tăng vượt lên cao hơn. Tuy nhiên nếu so sánh giá đóng cửa hôm nay của cổ phiếu thì không có nhiều mã chốt cao hơn được hôm 27/11. VN30 chỉ có 16 mã bằng hoặc cao hơn mà thôi. Điều đó nghĩa là số phục hồi cũng không giống nhau và nhiều mã phục hồi khá kém.
Hiện tượng phục hồi giá thậm chí còn yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Chỉ số Midcap hôm nay chỉ tăng 0,52%, Smallcap tăng 0,69%. VN30 lại là chỉ số tăng mạnh nhất và điều này cho thấy thị trường một lần nữa lại được hỗ trợ từ các blue-chips.
Điều ấn tượng nhất hôm nay chính là tâm lý sẵn sàng bắt đáy. Thị trường điều chỉnh chưa bao nhiêu, giá giảm sâu nhất trong thời gian rất ngắn và ngay lập tức phục hồi. Nhà đầu tư cho rằng giá giảm là cơ hội và mua vào mạnh mẽ. Tổng giá trị giao dịch hai sàn đạt trên 13.000 tỷ đồng, trong đó 1.280 tỷ đồng là thỏa thuận. Như vậy mức khớp lệnh lại lên tới gần 11.800 tỷ đồng. Mức này chỉ thua kém hôm 24/11 vừa qua một chút (12..078 tỷ đồng khớp lệnh).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay rất khỏe. STB là mã đi ngược thị trường sớm nhất và mạnh nhất. Cổ phiếu này giảm đầu ngày cùng với chỉ số chỉ khoảng 1,71% so với tham chiếu, sau đó quay đầu tăng ngược 5,46%. Đây là mức tăng mạnh nhất của STB kể từ đầu tháng 10/2020. Giá STB cũng đạt mức cao nhất 31 tháng. Thanh khoản của STB lên tới trên 37,8 triệu cổ trị giá 567 tỷ đồng. TCB, MBB, CTG, VPB, ACB, SHB là các cổ phiếu ngân hàng khác giao dịch vượt 200 tỷ đồng giá trị phiên này.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào rất mạnh hỗ trợ thị trường. Tổng giá trị mua ở sàn HSX khoảng 1.263 tỷ đồng và mức ròng là 391 tỷ đồng. Tuy nhiên trong số này cũng đã có gần 195 tỷ đồng là mua ròng thỏa thuận chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Các cổ phiếu được mua ròng rất lớn chính là các mã ngân hàng VPB, MBB, CTG, CTG, STB, cùng với VRE, PVD, HSG, VNM... Phía bán ròng mạnh có GMD, CVT, HPG, POW, FRT.