November 10, 2014 | 14:52 GMT+7

Chọn bộ trưởng trả lời chất vấn theo tiêu chí nào?

Nguyên Hà

Tiêu chí nào để đưa 5 vị bộ trưởng vào danh sách dự kiến vẫn là băn khoăn của nhiều vị đại biểu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục được đề xuất chọn trả lời chất vấn trong kỳ họp này.<br>
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục được đề xuất chọn trả lời chất vấn trong kỳ họp này.<br>
Như VnEconomy đã đưa tin, vào sáng 10/11, phiếu xin ý kiến về danh sách người trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã được gửi đến các vị đại biểu.

Theo đó, 5 bộ trưởng được dự kiến là bộ trưởng các bộ Công Thương, Nội vụ, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tiêu chí nào để đưa 5 vị nói trên vào danh sách dự kiến vẫn là băn khoăn của nhiều vị đại biểu. Và một phần câu trả lời đã được nêu tại báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Ba tiêu chí lựa chọn người trả lời chất vấn, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một là là người phụ trách lĩnh vực có những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm; hoặc có vấn đề đã được chất vấn nhưng trong thực tế chỉ đạo, điều hành, chuyển biến còn chậm.

Hai, trong những kỳ họp gần đây có đại biểu Quốc hội chất vấn nhưng chưa được trực tiếp trả lời chất vấn và ba là  đảm bảo hài hòa giữa các lĩnh vực.

Theo tập hợp của Văn phòng Quốc hội, tính đến chiều ngày 6/11/2014 cơ quan này đã nhận được 102 văn bản, với 132 chất vấn của 50 đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng, các vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Trong đó, các bộ trưởng nhận được nhiều chất vấn gồm: Bộ Công thương (14 chất vấn); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (11 chất vấn); Bộ Giáo dục và Đào tạo (9 chất vấn); Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an (cùng có 8 chất vấn); Bộ Nội vụ (7 chất vấn); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (6 chất vấn); Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (5 chất vấn); Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước (cùng có 4 chất vấn)…

Trong số vị "tư lệnh" các ngành nói trên, một số vị mới được chất vấn thời gian gần đây như bộ trưởng các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Và mặc dù vẫn có những vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm (như vấn đề nợ công, cải cách giáo dục…), nhưng các vấn đề liên quan đang trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp để khắc phục theo yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận về chất vấn tại các kỳ họp, phiên họp, báo cáo giải thích.

Riêng đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù mới được bố trí trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26 (tháng 4/2014) nhưng vẫn có nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn, một số nội dung đã được chất vấn nhưng chuyển biến còn chậm.

Vì những lý do trên, trong nhóm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn bộ trưởng các bộ: Công Thương, Nội vụ, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội được đưa vào danh sách để trình Quốc hội xem xét bố trí trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8.

Đối với nhóm các bộ trưởng, trưởng ngành có chất vấn của đại biểu Quốc hội nhưng gần đây chưa được trực tiếp trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã dự kiến và thảo luận về hai trường hợp: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Trong số hai vị này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là người đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7, trong lĩnh vực phụ trách cũng có nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, cần được làm rõ.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phụ trách cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối để theo dõi, tổng hợp nhiều chính sách quan trọng đối với dân tộc, miền núi nhưng thực tế chưa nhận được chất vấn nào của đại biểu Quốc hội.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vào danh sách trình Quốc hội chất vấn lần này.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo các nhóm vấn đề để tạo sự chủ động cho việc trả lời và có điều kiện đối thoại sâu, chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, đi đến cùng các vấn đề được quan tâm, báo cáo cho biết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate