Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu trong kì 1 tháng 8 (từ ngày 1 đến 15/8) đạt 24,1 tỉ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 5,31 tỉ USD) so với nửa cuối tháng 7/2021.
XUẤT NHẬP KHẨU "BAY HƠI" GẦN 5 TỈ USD
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu cả nước đạt 399,27 tỉ USD, tăng 28,6% so với cùng kì năm 2020.
Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 275,82 tỉ USD, tăng 32,3% (tương ứng tăng 67,31 tỉ USD); doanh nghiệp trong nước là 123,45 tỉ USD, tăng 21,1% (tương ứng tăng 21,52 tỉ USD).
Cũng theo số liệu kì 1 tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thâm hụt 1,36 tỉ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8, nước ta nhập siêu 3,88 tỉ USD. Liên quan đến diễn biến đáng chú ý về xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng, tổng kim ngạch đạt 11,37 tỉ USD, giảm 24,2% (tương ứng giảm 3,63 tỉ USD) so với kỳ 2 tháng 7/2021.
Các mặt hàng chủ lực giảm mạnh, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 782 triệu USD, tương ứng giảm 25,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 524 triệu USD, tương ứng giảm 24,5%; hàng dệt may giảm 321 triệu USD, tương ứng giảm 21,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 266 triệu USD, tương ứng giảm 41,6%...
Tính đến hết 15/8, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 197,7 tỉ USD, tăng 23,3% tương ứng tăng 37,3 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân của đà sụt giảm này do dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đặc biệt từ ngày 15/7 khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với doanh nghiệp đảm bảo yêu cầu phòng dịch với phương châm “ba tại chỗ” hoặc một cung đường hai điểm đến.
Nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã không thể đáp ứng yêu cầu này nên phải ngưng sản xuất, số ít còn lại đáp ứng được thì năng suất cũng giảm đáng kể, chưa kể những doanh nghiệp trong quá trình “ba tại chỗ” phải ngưng vì có nhiều F0.
Đơn cử ngành thủy sản hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam duy trì được hoạt động sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”. Nhưng các doanh nghiệp này cũng chỉ huy động được 30%-50% số lượng lao động nên năng suất giảm mạnh mà chi phí lại tăng cao.
Ngành dệt may cũng trong hoàn cảnh tương tự khi chỉ có khoảng dưới 30% các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu “ba tại chỗ”, còn lại các doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp cũng tìm hướng chuyển bớt đơn hàng ra phía Bắc để kịp tiến độ giao hàng nhưng con số vẫn còn khá hạn chế.
Với ngành da giày, theo chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu tập trung ở phía Nam, mà từ giữa tháng 7 đến nay khoảng gần 90% doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất do không đáp ứng được yêu cầu “ba tại chỗ”.
Số ít doanh nghiệp ở phía Bắc cũng chịu ảnh hưởng do việc nhập nguyên liệu từ miền Nam ra ách tắc nên năng suất cũng giảm. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm.
Thực tế, những doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất “ba tại chỗ” cũng gặp muôn vàn khó khăn. Bởi nếu đối tác cung ứng nguyên liệu, vật tư không đáp ứng được yêu cầu “ba tại chỗ”, ngưng hoạt động thì doanh nghiệp muốn cũng khó tiếp tục duy trì sản xuất.
Đứt gãy chuỗi sản xuất là điều mà nhiều doanh nghiệp đang lo lắng không yên. Khó khăn trong sản xuất cộng thêm nhiều chi phí tăng cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đang khó càng thêm khó.
THÁCH THỨC NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
Trước bối cảnh như hiện nay, một câu hỏi lớn được đặt ra vậy từ nay đến cuối năm liệu các ngành hàng xuất khẩu có nỗ lực để cán đích như mục tiêu đặt ra được hay không? Câu trả lời phần lớn là phải phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch bệnh ở các tỉnh/thành nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An nơi có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Tuy nhiên, ngay trong tháng 8 này, tình hình thật khó khả quan, kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ giảm mạnh hơn so với tháng 7 vì các yêu cầu phòng, chống dịch vẫn rất khắt khe.
Và như vậy, từ nay đến cuối năm, theo đánh giá chung của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội thật khó để cán đích như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Với một số ngành hàng không chỉ khó trong nước mà còn khó với đối tác xuất khẩu. Cụ thể như mảng xuất khẩu rau quả. Rau quả cũng bị sụt giảm kim ngạch và dự báo từ nay đến cuối năm kim ngạch sẽ chỉ đạt khoảng 3,4 tỉ USD (trong khi đó mục tiêu đề ra cho năm nay là 4 tỉ USD).
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết lâu nay rau quả Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (khoảng 70%), nhưng do tác động của dịch Covid-19, quy trình nhập hàng của Trung Quốc đang khắt khe hơn rất nhiều.
Trước đây, phía Trung Quốc thường khử khuẩn theo từng lô, nhưng nay lại kiểm tra và khử khuẩn theo từng thùng hàng.
Như vậy, cùng với tốc độ đưa hàng nông sản chậm trong nước (vì có quá nhiều trạm kiểm soát) cộng thêm thời gian kéo dài do phía nhập khẩu khắt khe hơn thì chuyện ùn ứ hàng nông sản, giảm kim ngạch xuất khẩu là khó tránh khỏi.
Cùng với nhiều khó khăn chồng chất, chi phí logistics cũng đang trở thành rào cản khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chơi vơi. Đơn cử, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường xa, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đang “đứng ngồi” không yên khi thiếu container rỗng và cước vận chuyển tăng gấp nhiều lần.
Thiếu container khiến thời gian vận chuyển chậm lại, ảnh hưởng đến chất lượng trái cây tươi. Giá cước cao khiến nhiều doanh nghiệp càng làm càng lỗ vì không phải đối tác nhập khẩu nào cũng sẵn lòng chia sẻ khó khăn.
Thực tế, câu chuyện cước vận chuyển tăng cao không chỉ là mối lo riêng của ngành trái cây mà là mối lo chung của các ngành hàng xuất khẩu suốt từ giữa năm 2020 đến nay.
Không chỉ lo việc không hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm nay, nhiều doanh nghiệp ngành hàng còn lo lắng thời gian tới sẽ mất đơn hàng, mất khách hàng khi các đơn hàng dịch chuyển sang các nước kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Và khi đơn hàng đã bị dịch chuyển thì việc nối lại sẽ khó khăn và phải có thời gian. Việc này có thể sẽ ảnh hưởng cả sang tình hình xuất khẩu của năm sau.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu là điều bất khả kháng và doanh nghiệp buộc phải chấp nhận.
Thế nhưng cái mà doanh nghiệp muốn nhiều hơn chính là sự lắng nghe, đồng hành, chia sẻ những khó khăn của bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp có thể sớm quay lại sản xuất thuận lợi ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát.