Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 tổ chức tại Hà Nội ngày 22/12/2020, Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhấn mạnh, nhờ phản ứng nhanh chóng, truy vết rộng khắp, Việt Nam đã giảm thiểu thiệt hại từ loại virus chết người ngày.
Thành công trong việc phòng chống dịch bệnh đã giúp Việt Nam sớm bắt đầu công cuộc phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh các công ty liên tục điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, sự ứng phó hiệu quả của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch càng nâng tầm vị thế của Việt Nam, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Cũng theo Amcham, bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn có những cơ hội để thu hút doanh nghiệp và đầu tư.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ đã có nhiều quan ngại trong hợp tác kinh doanh với các nước khác bởi chính sách thương mại và công nghiệp của họ khiến doanh nghiệp Mỹ rơi vào thế cạnh tranh bất lợi. Căng thẳng thương mại trước Covid làm dấy lên những lo ngại về việc tập trung sản xuất ở một quốc gia duy nhất và đại dịch đã làm cho mọi người thấy rõ hơn những lo ngại đó.
Trên thực tế, trong 18 tháng qua, Việt Nam đã tiếp nhận thêm sản xuất trong chuỗi cung ứng. “Việt Nam có thể sẽ nhận được nhiều khoản đầu tư như vậy khi các công ty đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ”, đại diện Amcham nhấn mạnh.
Các thành viên của Amcham bày tỏ rằng hành động của Chính phủ đối với đại dịch cũng sẽ củng cố vị thế của Việt Nam như một thị trường hấp dẫn cho hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tiếp tục.
Việc nâng giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng có thể giúp tăng sức mạnh cho các ngân hàng trong nước và cung cấp nhiều vốn hơn để hội nhập và tăng trưởng kinh doanh.
Các thành viên của Amcham cũng mong muốn được tham gia thoái vốn nhà nước, mong sớm nhận được hướng dẫn minh bạch về việc gỡ bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các trường hợp này.
Liên quan đến thuế, các thành viên của Amcham cho rằng, trong khi mức thuế suất 20% của Việt Nam cạnh tranh, các số liệu cho thấy việc khai và nộp thuế ở Việt Nam vẫn còn quá khó khăn so với các nước láng giềng.
Quá nhiều các công ty đang chịu những đối xử không công bằng và thiếu minh bạch về việc đánh giá mức thuế, tiền phạt và tiền lãi. Các nhà đầu tư cần thấy các thủ tục kiểm toán và thuế quan có thể dự đoán được và nhất quán với tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời ngăn chặn các phán quyết có hiệu lực hồi tố.
"Sau nhiều năm, chúng ta vẫn thấy rằng các tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam chưa tiệm cận với các tiêu chuẩn toàn cầu, chúng tôi cũng hy vọng được nhìn thấy những sự tiến bộ đối với Thỏa Thuận Trước Về Phương Pháp Xác Định Giá Tính Thuế (APA) nhằm tạo ra sự ổn định và khả năng dự đoán cần thiết để tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự tiến bộ trong các lĩnh vực thuế sẽ giúp cải thiện các điều kiện kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh cho khối tư nhân, đảm bảo sự phát triển về kinh tế và xã hội, thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy sự thịnh vượng tại Việt Nam", Amcham kiến nghị.
Tại diễn đàn, đại diện Amcham cũng cho biết, nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, hy vọng Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ thực hiện các bước để bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do - đa phương hoặc song phương. Điều này cực kỳ quan trọng với các công ty Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đại diện Amcham cũng bày tỏ vui mừng được hỗ trợ các tổ chức của Việt Nam ở tuyến đầu chống dịch. “Chúng tôi vô cùng xúc động trước những món quà là khẩu trang y tế từ Chính phủ và nhân dân Việt Nam đến với Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ. Đó là một lời nhắc nhở tuyệt vời rằng tất cả chúng ta đều có thể cùng nhau đóng góp để hỗ trợ nhau trong những thời điểm khó khăn này”, đại diện Amcham nhấn mạnh.