Đợt chốt lời ngắn hạn đáng kể nhất đã xuất hiện trong phiên chiều và càng về cuối phiên lực ép càng lớn. Tuy độ rộng không co lại bao nhiêu, nhưng khá nhiều cổ phiếu blue-chips quan trọng lao dốc đã ảnh hưởng lớn tới chỉ số. VN-Index từ chỗ tăng gần 18 điểm cuối phiên sáng, kết phiên chiều đã bốc hơi 12,14 điểm tương đương -1,16%, ngắt mạch chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. NVL cũng bị đánh bung giá trần với hơn 71 triệu cổ và rơi xuống tận tham chiếu.
HoSE đóng cửa với 281 mã tăng/166 mã giảm, thu hẹp rất nhiều so với phiên sáng (365 mã tăng/90 mã giảm). Tuy chỉ có vài chục mã rơi qua tham chiếu, nhưng đại đa số cổ phiếu đều hạ giá.
Đặc biệt VN30-Index là nhóm dẫn dắt sáng nay với mức tăng 1,4% nhưng đóng cửa đã giảm 0,63%. Thống kê có tới 24/30 mã của rổ này tụt giá trong buổi chiều, chỉ 4 mã có cải thiện. Độ rộng rổ kết phiên cũng chỉ còn 9 mã tăng/19 mã giảm.
Những cổ phiếu blue-chips lùi giá cực mạnh chiều nay có thể kể tới BID giảm tới 5,8% so với phiên sáng và đóng cửa giảm 5,11% so với tham chiếu; HPG giảm 6,67%, chốt phiên giảm 1,09% so với tham chiếu; KDH bốc hơi 7,16%, đóng cửa giảm 0,73%; NVL bị đánh bay toàn bộ cổ phiếu giá trần, rơi trở về tham chiếu; STB giảm 7,14%, đóng cửa giảm 2,5%; CTG giảm 4,9%, chốt giảm 4,04%...
Giao dịch đợt ATC cũng cho thấy áp lực bán dâng cao đột ngột, rất nhiều cổ phiếu lớn chịu sức ép mạnh và giá giảm sâu. Cuối đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index mới giảm nhẹ 2,9 điểm, nhưng riêng ATC giảm thêm hơn 9 điểm nữa. HPG chẳng hạn, xuất hiện lượng giao dịch tới 1,43 triệu cổ đợt này, giá đang từ 18.750 đồng rơi xuống 18.200 đồng, tức là giảm tới 3% trong một lần giao dịch. VIC bị 301.300 cổ bán ra đè từ 67.100 đồng xuống 66.000 đồng, tức giảm gần 1,7%. VHM đang ở tham chiếu, bị 289.000 cổ đè giảm 1,83%. MSN rơi 1% riêng đợt ATC, CTG rơi 2,3%...
Với sức mạnh vốn hóa, biên động giá giật cục mạnh như vậy tất nhiên khiến chỉ số mất nhiều điểm. VIC giảm 5,17%, BID giảm 5,11%, GAS giảm 3,36%, CTG giảm 4,04%, VCB giảm 1,23%, VHM giảm 1,83%. Nhóm này khiến VN-Index mất 11,5 điểm trong tổng số giảm 12,14 điểm.
Với 9 mã còn tăng trong rổ VN30, lực đỡ cân đối lại chỉ đủ giảm xóc vì ít mã vốn hóa lớn. Đáng kể là TCB tăng 5,79%, GVR tăng 4,23%, PLX tăng 5,08%, HDB tăng 2,57% và MBB tăng 2,3%.
Tuy vậy áp lực giảm vẫn chưa lan quá rộng, VN-Index hết ngày vẫn còn 281 cổ phiếu tăng giá và 166 cổ phiếu giảm giá. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có sức đề kháng tốt nhất, tập trung vào các mã bất động sản như SJS, DIG, PDR, DRH, BCG, HPX, VPH, HQC, giá đều kịch trần... 42 mã trên HoSE vẫn đóng cửa tăng hết biên độ, nhiều mã thanh khoản rất ấn tượng như DIG, PDR, HPX, NKG, DXG khớp trên trăm tỷ đồng. Ngoài ra 130 cổ phiếu khác vẫn tăng được từ 1% trở lên phản ánh sức ép chưa đủ lớn để “đánh quỵ” toàn bộ cổ phiếu, phần lớn mới là co hẹp mức giảm trong ngày.
Áp lực chốt lời thể hiện rõ ở mức thanh khoản gia tăng đột biến 26% so với hôm qua, lên trên 24.300 tỷ đồng 3 sàn. Đây cũng là mức giao dịch lớn nhất 7 tháng. Riêng HoSE tăng 42% giá trị khớp lệnh, đạt gần 20.314 tỷ đồng. HoSE có 46 cổ phiếu đạt thanh khoản trên ngưỡng 100 tỷ thì chỉ có 15 mã là tăng giá, còn lại giảm.
Hoạt động chốt lời chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước, còn khối ngoại tiếp tục giải ngân mạnh mẽ với hơn 2.800 tỷ đồng ở ba sàn, trong đó HoSE được mua 2.651,5 tỷ đồng, mức ròng là 1.016 tỷ đồng. Tổng giá trị bán của khối ngoại đạt 1.635 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 7,5% giá trị sàn HoSE. VHM +211,2 tỷ, STB +145,7 tỷ, MSN +105,8 tỷ, VIC +101,6 tỷ là các mã được mua ròng nổi bật. Tuy vậy đây cũng đều là các mã giảm giá mạnh, do nhà đầu tư trong nước xả hàng.