Trong báo cáo đầu tư quý 2 mới đây, quỹ đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund cho biết, đại dịch Covid 19 đã mang lại nhiều thách thức khác nhau và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của quỹ. Trong một vài tháng, danh mục của PYN Elite Fund có lúc đã giảm đến hơn 40%. Tuy nhiên, tính từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, hiệu suất của quỹ vẫn tăng 60%.
Ông Petri Deryng - Người đứng đầu quỹ cho rằng mức tăng trưởng trên không có gì ngạc nhiên khi so sánh với chỉ số của VN-Index trước thời điểm đại dịch năm 2018 -2019.
Vào đầu năm 2020, nhà đầu tư đặt kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng vọt, được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế sau đó bị đình trệ bởi đại dịch, trì hoãn đà tăng trưởng sang năm 2021 và 2022.
Các ngân hàng trung ương trên Thế giới đã hỗ trợ cho thị trường tài chính duy trì thanh khoản tốt với cung tiền đạt mức cao lịch sử, kéo theo tiền mặt đổ mạnh vào cổ phiếu, bất động sản nhà ở và hàng hóa. Thị trường chứng khoán trở thành kênh sinh lời hấp dẫn so với tiền gửi và trái phiếu.
Tại Việt Nam, việc thiếu các kênh đầu tư thay thế cũng khiến giới đầu tư đổ mạnh vào chứng khoán hơn nữa. Trong 5 năm qua, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 6% xuống 2%, dẫn đến dòng tiền nội địa chảy từ các kênh khác sang chứng khoán.
Tuy nhiên, theo Pyn Elite Fund, sẽ không thích hợp nếu nói rằng thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu đang rẻ vào lúc này. Thị trường chứng khoán Việt Nam có P/E 16, là con số hợp lý nếu xét đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong vài năm tới. Dựa trên mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo, P/E của các cổ phiếu cốt lõi trong danh mục Pyn Elite Fund sẽ giảm xuống 12,5 vào năm 2022 và 10,1 vào năm 2023.
Đã có sự khác biệt về lợi nhuận giữa các cổ phiếu trong danh mục của Pyn Elite Fund. Việc phân bổ vào cổ phiếu ngân hàng đã giúp Pyn Elite Fund có hiệu suất tốt và quỹ kỳ vọng cổ phiếu các ngân hàng như HDB, TPB, MBB, CTG sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Trong khi đó, Pyn Elite Fund đã chốt lời một số cổ phiếu tăng trưởng mạnh trong thời gian ngắn như VND, VIB, LPB, VCI. Ý tưởng đầu tư của quỹ đã chuyển từ cổ phiếu tăng trưởng nóng sang những cổ phiếu “lạnh” có tiềm năng sinh lời tốt hơn trong vòng 3 năm tới.
Ông Petri Deryng cho biết, hiệu suất trong dài hạn của VN-Index có mối tương quan chặt chẽ với kết quả kinh doanh. Tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2018 – 2020 đã giảm xuống nhưng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2021 được dự báo tích cực và triển vọng năm 2022 và 2023 cũng rất tốt.
Hiện, danh mục 12 cổ phiếu Pyn Elite nắm giữ chiếm 93% tài sản. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng (CTG, HDB, MBB, TPB) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục Pyn Elite Fund với khoảng 40%. Các cổ phiếu ngân hàng này có P/E Forward 2021 khoảng 10,6 lần và đều tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Hoạt động tài chính của các ngân hàng sẽ được cải thiện đặc biệt đáng kể vào năm 2021 vì đã ghi nhận dự phòng rủi ro tín dụng cho năm trước.
“Các ngân hàng Việt Nam đã có tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận từ sau năm 2021 có thể sẽ ở mức vừa phải hơn, dù được dự báo vẫn khá tốt”, ông Petri Deryng đánh giá.
Đối với các nhóm khác, đại diện Pyn Elite nhấn mạnh, tiền đã chốt lời từ một số cổ phiếu đã được phân bổ vào các khoản mới được kỳ vọng sẽ hoạt động tốt trong thời gian tới. Ví dụ, VRE và ACV vẫn đang chịu các hạn chế Covid-19 và hoạt động kinh doanh sẽ không trở lại bình thường cho đến khi năm sau. VHM và VEA cũng đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự thận trọng của người tiêu dùng, đặc biệt là vào năm 2020
Trong hơn 1 năm qua, Pyn Elite Fund đã phân bổ hơn 200 triệu Euro vào các cổ phiếu ACV, VRE, VEA và VHM. Đây đều là những gương mặt tiêu biểu đại diện cho các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch và quỹ kỳ vọng những cổ phiếu này sẽ có hiệu suất tốt trong giai đoạn tới dù vẫn đang chậm trễ so với thị trường.