Việt Nam vừa phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên là hành khách trên chuyến bay QH9028 ngày 19/12 từ Anh về Việt Nam. Theo Bộ Y tế, đây là trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, trước những lo ngại về nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập rất lớn, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) đề xuất nên dừng các chuyến bay đi/về từ các nước đã xuất hiện biến chủng, đặc biệt là các nước châu Phi. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm dịch biên giới, cửa khẩu, bởi có những người ở châu Phi nhưng đi qua nước thứ 2 rồi mới về Việt Nam.
Ngoài ra, cần tăng cường xét nghiệm các trường hợp đi từ nước ngoài về, điều tra dịch tễ, giải trình tự gen, đặc biệt luôn phải nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người và luôn thực hiện tốt 5K.
Là địa phương có tần suất chuyến bay quốc tế đến Sân bay Nội Bài rất lớn, mới đây TP. Hà Nội đã lên kế hoạch ứng phó với biến chủng Omicron. Theo đó, các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có biến chủng Omicron đến Hà Nội sẽ bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh, bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.
Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Còn tại TP. HCM, Sở Y tế cũng đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ 28/11 đến nay có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT, PCR trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Các đơn vị phối hợp với Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gen nhằm xác định biến chủng Omicron.
Các hoạt động của hệ thống giám sát phải được tăng cường để sớm phát hiện ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường.
Liên quan đến sự xuất hiện của biến chủng Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khi làm việc với Bộ Y tế nhấn mạnh có 4 yếu tố quan trọng để kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron.
Thứ nhất, tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vaccine phòng Covid-19.
Thứ ba, tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống khi ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron.
Cuối cùng là đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gen các ca bệnh Covid-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới.
Về phía Bộ Y tế, để phòng, chống dịch Covid-19 trước biến chủng Omicron, Bộ đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng Omicron như: Khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique...) và một số quốc gia khu vực châu Âu.
Đồng thời, thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định. Bộ cũng yêu cầu địa phương chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định.
Biện pháp tiếp theo là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên cũng như triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian.
Cơ quan này khẳng định đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO trong ứng phó với biến chủng mới, vì vậy người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.