Lý do nào dẫn đến sự ra mắt hội thảo quốc tế CocoNext, thưa bà?
Việt Nam là quốc gia đứng thứ bảy toàn cầu về sản lượng dừa, đặc biệt Bến Tre là “thủ phủ dừa” với hơn 79.000 ha. Tuy nhiên, trước khi có CocoNext, chúng ta thiếu một điểm kết nối ở quy mô quốc tế - là nơi tất cả các bên liên quan từ Chính phủ, nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, đến đối tác, khách hàng,… cùng trao đổi những giải pháp phát triển.
Tôi khởi xướng CocoNext hướng tới một tương lai phát triển kiên cường và mạnh mẽ cho ngành dừa. Tôi tin rằng đây là kỳ vọng và cũng là cam kết chung của tất cả các bên liên quan.
CocoNext sẽ hoạt động như thế nào?
CocoNext không chỉ là hội thảo đơn thuần mà là một chuỗi sự kiện thường niên và uy tín. CocoNext hướng đến những thay đổi đột phá, định hình lại bối cảnh và mở ra giai đoạn phát triển mới cho ngành dừa.
Chúng tôi sẽ hiện thực mục tiêu đó trên nền tảng chia sẻ, trao đổi về chiến lược phát triển bền vững, những giải pháp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý, tối ưu chuỗi giá trị, thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu,…
Đồng thời, những mô hình đổi mới đến từ các quốc gia dẫn đầu trong ngành dừa cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng.
Ngành dừa Việt Nam sẽ được gì từ chuỗi sự kiện CocoNext?
Hội thảo lần này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trong ngành dừa quốc tế, mà còn thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cho toàn ngành.
Qua nền tảng chia sẻ của hội thảo, tất cả các đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị ngành dừa đều có cơ hội tiếp cận, tìm kiếm những thông tin, giái pháp mới, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác trên toàn cầu.
CocoNext sẽ giúp định hình chiến lược tổng thể, nhằm biến cây dừa thành một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.
Với tiềm năng và vị thế của ngành dừa nước ta, tôi mong muốn định vị Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo của ngành dừa toàn cầu. Trong đó, Bến Tre sẽ là nơi dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển.
Theo bà, đâu là thách thức lớn nhất mà ngành dừa Việt Nam đang phải đối mặt? CocoNext có giải pháp nào cho những vấn đề đó?
Một trong những thách thức lớn nhất của ngành dừa Việt Nam là giá trị gia tăng còn thấp. Nước dừa tươi và các sản phẩm chế biến thô chiếm phần lớn xuất khẩu, trong khi các sản phẩm sau chế biến, có giá trị cao vẫn chưa được phát triển đúng mức.
Ngoài ra, ngành dừa còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu và áp lực cạnh tranh từ các nước khác như Philippines hay Indonesia. Những thách thức này không thể giải quyết chỉ bằng kinh nghiệm truyền thống.
CocoNext chia sẻ nhiều giải pháp - từ các chiến lược phát triển bền vững đến điểm then chốt là công nghệ và đổi mới. Việc tích hợp công nghệ tiên tiến vào ngành dừa không chỉ là sự lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng bền vững và nâng cao chuỗi giá trị.
Theo đó, các tiến bộ công nghệ hứa hẹn đưa ngành dừa lên một tầm cao mới, từ kỹ thuật đóng gói sáng tạo, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, khai thác năng lượng bền vững, cho đến phát triển các sản phẩm mới từ cây dừa.
Bà có thể chia sẻ một vài giải pháp bắt nguồn từ công nghệ và đổi mới không?
Chúng tôi đã mang đến CocoNext 2024 những giải pháp công nghệ, đổi mới được áp dụng thực tế tại công ty Betrimex.
Mọi người có thể trải nghiệm mô hình nông nghiệp số, công nghệ truy xuất nguồn gốc và khám phá tiềm năng vô cùng đa dạng của dừa. Từ khoa học nghiên cứu và phát triển (R&D), tất cả các phần của cây dừa như lá, hoa, trái, thân, gốc đều có thể trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Tiêu biểu như từ nước dừa và cơm dừa được chế biến thành thực phẩm (nước dừa, sữa dừa, kem dừa, yaourt dừa,...) hoặc chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Xơ dừa, thân, gốc,… được phát triển thành than gáo dừa, than hoạt tính, palette,... rất thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe.
Đây chỉ là một phần trong danh mục sản phẩm đa dạng từ cây dừa. Luôn luôn đổi mới, sáng tạo là phương châm của chúng tôi.
Chính vì vậy, Betrimex trở thành thương hiệu dẫn đầu ngành dừa không chỉ tại Việt Nam mà còn đứng thứ sáu về sản lượng dừa trên toàn cầu. Sản phẩm có mặt trên hơn 70 quốc gia, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt từ những thị trường khó tính nhất như châu Âu hay Hoa Kỳ.
Một công ty khác do bà lãnh đạo là TTC AgriS cũng đang giữ vị trí hàng đầu trong ngành mía đường. Thành quả đó cũng bắt nguồn từ công nghệ và đổi mới?
Đúng vậy. Công nghệ và khoa học sáng tạo mang lại những bước tiến vượt bậc cho TTC AgriS, với doanh thu xuất khẩu hiện tại đã đạt hơn 1 tỷ USD.
TTC AgriS áp dụng nông nghiệp công nghệ cao với canh tác chính xác từ thiết kế đồng ruộng, quản lý vùng nguyên liệu đến hiệu suất canh tác,... Qua bộ ba ứng dụng DigiFarm, DigiFactory và DigiRetails, dữ liệu từ canh tác, sản xuất đến thương mại được đồng bộ, giúp tối ưu hiệu suất, giảm lãng phí và tối ưu chuỗi giá trị sản phẩm.
Trước khi ra mắt CocoNext, chúng tôi đã tổ chức thành công TTC AgriS Innovation Day từ năm 2023, là chuỗi sự kiện quốc tế thường niên mang đến những giải pháp mới cho ngành mía đường.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục ra mắt chuỗi sự kiện AgroDay vào tháng 4 năm sau, là “sân chơi” quốc tế cho toàn ngành nông nghiệp. AgroDay tập trung giải quyết các bài toán thực tiễn, chia sẻ thông tin hữu ích về khoa học công nghệ - kinh tế nông nghiệp,... từ những lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành,... trên thế giới.
Từ những chuỗi sự kiện như CocoNext và TTC AgriS Innovation Day, bà mong muốn nông nghiệp Việt Nam sẽ đổi mới như thế nào?
Tôi luôn tin rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành điểm đến nông nghiệp công nghệ cao của thế giới. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tôi mong muốn các doanh nghiệp nước ta không chỉ mạnh về sản xuất mà còn dẫn đầu về giải pháp, sản phẩm và quy trình mới.
Tôi hy vọng CocoNext, TTC AgriS Innovation Day và sắp tới đây là AgroDay sẽ truyền cảm hứng thúc đẩy tương lai bền vững cho nông nghiệp Việt Nam. Đây không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là tự hào dân tộc.
Cảm ơn bà rất nhiều!