Phát biểu tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021: “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững” do Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Chủ tịch VBCWE, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (VBCSD), cho rằng trong ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ phải cấu trúc lại để phát triển và kinh doanh hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, sau đó mới tiến tới việc sống cùng tất cả các loại khủng hoảng.
"3Đ" VÀ "5B"
Theo bà Thanh, có thể nói chính cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp tạo ra một vòng tròn với 3 yếu tố: ứng phó, phục hồi và phát triển.
Có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc định nghĩa khác nhau, nhưng vị lãnh đạo Deloitte cho rằng, với doanh nghiệp thì cụm từ "bình thường mới" là làm những thứ mới trong điều kiện bình thường. Hiểu đơn giản, là mới về dịch vụ, mới về sản phẩm, bình thường mới còn là làm những thứ bình thường theo cách mới.
Đồng thời, bà Thanh cho biết, trong 21 tháng Covid-19 vừa qua, bà đã rút ra được 3 vấn đề, tương ứng với 3 chữ "Đ".
Đầu tiên là “đứt gãy”, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy hoạt động kinh doanh trong một địa phương, đứt gãy kinh doanh giữa các địa phương trong cùng một đất nước, theo đó chuỗi giá trị toàn cầu cũng đứt gãy.
Cũng trong “đứt gãy” này chữ "Đ" thứ hai là “đẩy” sẽ xuất hiện. Bối cảnh này thúc đẩy doanh nghiệp phải thay đổi phương thức kinh doanh, thay đổi mô hình kinh doanh và cách thức quản trị. Một trong những cái thúc đẩy đó đã thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, và chỉ có chuyển đổi số mới có thể ứng phó với sự đứt gãy.
Thời gian qua có thể cảm nhận rất rõ sự đồng lòng giữa mọi người với nhau. Sự đồng cảm tạo ra một nguồn vốn xã hội (social capital). Đây là nguồn vốn phi tài chính, là sự chia sẻ giữa nhân viên với lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ với doanh nghiệp và doanh nghiệp với cộng đồng.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam
Cũng 21 tháng Covid-19 thì chữ "Đ" thứ ba được thể hiện rõ ràng, “đồng”. Tức, chưa bao giờ chúng ta thấy sự đồng lòng lớn lao giữa nhân viên và lãnh đạo doanh nghiệp như bây giờ, và nó cũng là sự đồng cảm giữa 2 phía. Bên cạnh đó là sự đồng hành giữa doanh nghiệp và chính phủ cũng như doanh nghiệp với cộng đồng.
Sau khi nói về 3 chữ "Đ" như trên, bà Thanh cho rằng, để xuất phát trên con đường trạng thái bình thường mới thì doanh nghiệp cần một liều vaccine đủ mạnh, tương ứng với 5 chữ "B".
Chữ "B" đầu tiên là “Bền lòng”, bền lòng này thì lãnh đạo phải kiên tân. Thế nào là lãnh đạo kiên tân, thì chúng tôi có nhiều cách để đo sự kiên tân của lãnh đạo, không phân biệt quy mô hay yếu tố nước ngoài. Sự bền lòng và kiên tân này là sự bền bỉ dẫn dắt của người lãnh đạo.
Thứ hai là sự "Bền chặt", là sự kết nối hài hòa của một đội ngũ có quy tắc ứng xử trước, trong và đi cùng với dịch. Đây là yếu tố rất quan trọng, với Deloitte thì sự bền chặt này phải luôn đi cùng các nhà lãnh đạo.
Thứ ba, để sống chung với bình thường mới thì doanh nghiệp cần có một sức "Bật", sức bật ở đây chính là sự sáng tạo, làm điều cũ bằng cách mới, tạo ra sản phẩm mới để tồn tại, tạo ra được nguồn tiền. Ở đây cụ thể là sự chuyển đổi số, từ sức bật thì ta bứt phá.
Thứ tư, "Bứt phá" bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh như thế nào, phương thức kinh doanh ra sao.
Cuối cùng, không thể thiếu được chữ "B" thứ năm là các “Bạn hữu”. Sự hợp tác và liên kết có thể không cho tiền trực tiếp, nhưng nó cho ta sức mạnh từ sự chia sẻ, từ sự ủng hộ lẫn nhau. Từ đó, doanh nghiẹp mới bền lòng, bền chặt để tạo ra sức bật mới và bứt phá mới.
"Trong mô hình kinh doanh này, chúng tôi cũng nói là “hành trình mới của chúng ta là hành trình sống cùng tất cả loại khủng hoảng”, nên muốn phát triển bền vững thì cái bền lòng của lãnh đạo, bền chặt của đội ngũ, sức bật và bứt phá trong công nghệ mới với tương tác cùng bạn hữu phải đảm bảo được “an toàn nguồn lực”. Đây là nguồn lực tài chính, nguồn lực lãnh đạo, và quan trọng nhất là phải an toàn", bà Thanh nhấn mạnh.
THÍCH NGHI ĐỂ TỒN TẠI HIỆU QUẢ
Theo bà Thanh, nếu mọi người ví một doanh nghiệp kiên cường là 1 doanh nghiệp phát triển bền vững, thì lãnh đạo kiên tâm sẽ được coi như một lãnh đạo bền lòng. Điều này giúp doanh nghiệp có khả năng ứng phó vững và phục hồi cao gấp 3 lần so với doanh nghiệp bình thường khác.
Mặt khác, vị lãnh đạo Deloitte nhìn nhận, yếu tố quản trị khủng hoảng chỉ là một phần trong quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay thì quản trị khủng hoảng được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.
"Nếu 1 gia đình muốn bền vững về mặt giá trị để kiến tạo ra giá trị dòng tộc, những dòng tộc muốn kết nối để tạo ra giá trị dân tộc thì nó phải đi theo năm tháng, theo khủng hoảng lên xuống. Vậy doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì ta phải biết phía trước con đường là gì. Không phân biệt quy mô, không phân biệt ngành nghề, phải có tư tưởng về quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng thì doanh nghiệp mới bền vững", bà Thanh diễn giải.
Do đó, bà Thanh cho rằng, tất cả lãnh đạo doanh nghiệp cần có 1 cái nhìn toàn diện về quản trị rủi ro và khủng hoảng. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải có chiến lược thì mới an toàn, mới bền vững.
Quay lại câu chuyện sống trong điều kiện bình thường mới, bà Thanh cho rằng doanh nghiệp phải nghĩ ra mô hình kinh doanh mới, trong đó phải đảm bảo tính liên tục và có tính thích nghi cao.
Nhiều các doanh nghiệp đã lớn, đã trưởng thành nhưng vấn đề đánh giá quản trị rủi ro vẫn chỉ ở mức độ trung bình, chưa gắn với mục tiêu lâu dài. Thậm chí, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa có sự nhận thức về quản trị rủi ro, luôn luôn nghĩ rằng, quy mô nhỏ thì không cần.
Theo đó, bà Thanh chia ra 2 nhóm nguồn lực. Thứ nhất là nguồn lực tài chính, thứ mà doanh nghiệp đang phải ứng phó mỗi ngày 1 cách đầy vất vả. Thứ hai là nguồn lực con người.
Để sử dụng 2 nguồn lực này 1 cách hiệu quả và chiến lược thì doanh nghiệp cần 1 hệ công cụ, mà trong đó, với nguồn lực con người, hơn lúc nào hết, chính sách làm việc linh hoạt, chính sách 3 tại chỗ, chính sách đào tạo, chính sách kết nối 1 cách chính thống để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cần được đảm bảo, để họ có thể chia sẻ với doanh nghiệp 1 cách đầy tích cực.
Về nguồn lực tài chính thì doanh nghiệp cần tối ưu chi phí, không phải là cắt chi phí. Tức, có rất nhiều thứ trong lúc thiếu tiền vẫn chi, nhưng có những thứ 1 đồng cũng không chi. Ở đây tối ưu chi phí gắn với mục tiêu ngắn hạn cho tới trung hạn, phải có 1 chiến lược rõ ràng thì mới đảm bảo kinh doanh liên tục.
Cân đối dòng tiền là việc mọi người đều biết, nhưng nó liên quan trực tiếp tới tối ưu chi phí và minh bạch tài chính. Để có thể có thêm nhiều nguồn lực hơn thì việc xây dựng 1 cơ chế giám sát tài chính cần được đề cao, cần trở thành một quy trình, không thể chỉ xem là quản trị tiền.
"Để kinh doanh liên tục thì cần nhiều yếu tố, nhưng bây giờ thì cần tập trung và 2 nguồn lực lớn, tài chính và con người. Với nền tảng “muốn làm gì thì làm, phải bền và vững”; cái móng của bền vững là an toàn, an toàn nguồn lực và an toàn sản xuất kinh doanh. Vaccine cho doanh nghiệp là đi từ trong ra, hệ thống miễn dịch là đi từ hệ thống quản trị tốt, tư tưởng tốt của nhà lãnh đạo, đó là phần Deloitte có thể trợ giúp các doanh nghiệp", Chủ tịch Deloitte Việt Nam chia sẻ.