April 14, 2025 | 09:33 GMT+7

Chủ tịch EuroCham: Doanh nghiệp châu Âu cam kết sát cánh cùng Việt Nam

Việt An -

Dù các chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây ra xáo trộn trong thương mại toàn cầu, song đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn bày tỏ niềm tin vào tương lai kinh tế của Việt Nam...

Các doanh nghiệp châu Âu có những khoản đầu tư lâu dài tại Việt Nam và sẽ không rời đi chỉ vì những biến động ngắn hạn.
Các doanh nghiệp châu Âu có những khoản đầu tư lâu dài tại Việt Nam và sẽ không rời đi chỉ vì những biến động ngắn hạn.

Chia sẻ tại tọa đàm về tác động từ thuế quan của Mỹ do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức mới đây, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham khẳng định: Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn sẽ duy trì hoạt động tại Việt Nam và sẽ tìm cách thích ứng trong bối cảnh hoạt động xuất, nhập khẩu có nhiều rủi ro như hiện tại.

DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU “LẠC QUAN THẬN TRỌNG”

Thông tin tại sự kiện, người đứng đầu EuroCham cho biết theo một khảo sát được hiệp hội này thực hiện trước khi có quyết định tạm hoãn thi hành mức thuế đối ứng trong 90 ngày từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump, chỉ khoảng 1/4 số doanh nghiệp cho biết lợi nhuận của họ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu Việt Nam bị áp mức thuế cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Jaspaert nhấn mạnh các doanh nghiệp châu Âu có những khoản đầu tư lâu dài tại Việt Nam và sẽ không rời đi chỉ vì những biến động ngắn hạn. Hơn nữa, các doanh nghiệp nói chung vẫn có cái nhìn “lạc quan thận trọng” về hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian tới. 

“Phản ứng của doanh nghiệp, giống như một con tàu chở hàng lớn sẽ không diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn mà được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, các doanh nghiệp châu Âu sẽ không di dời sang một quốc gia khác sau khi đã đầu tư vào nhà máy tại Việt Nam”, ông Jaspaert khẳng định; đồng thời cho biết trong tương lai gần, các doanh nghiệp sẽ chú ý đến những thay đổi trong môi trường thương mại toàn cầu, tìm cách giảm chi phí đầu cũng như tối ưu hóa hoạt động sản xuất.

Chủ tịch EuroCham cũng bổ sung thêm rằng Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C do ông đứng đầu đang có các dự án với 24 đối tác sẽ triển khai tại Việt Nam trong năm nay, với tổng mức đầu tư dự kiến đạt 1,8 tỷ USD. Điều này là minh chứng cho niềm tin của doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết dù Mỹ là thị trường lớn nhất trên thế giới, nhưng chiếm 15% kim ngạch thương mại toàn cầu. Theo đó, nếu biết tận dụng và khai thác hết tiềm năng của 85% kim ngạch còn lại của thế giới thì Việt Nam vẫn có thể đạt được tốc độ phát triển cao trong tương lai. 

“Các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Các sản phẩm của họ được xuất khẩu trở lại thị trường EU, đến các nước trong khu vực châu Á và phục vụ cho cả nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam”, Đại sứ Guerrier thông tin. 

Các doanh nghiệp châu Âu khẳng định tiếp tục gắn bó lâu dài với Việt Nam.
Các doanh nghiệp châu Âu khẳng định tiếp tục gắn bó lâu dài với Việt Nam.

Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Lương Hiền, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, nhấn mạnh không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mà cả các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Trước tình hình này, ông khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, rà soát lại quy mô xuất khẩu và điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Từ phía Mỹ, ông Tùng Nguyễn, luật sư cộng sự tại Công ty luật Baker Hostetler, tư vấn rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng sớm các kịch bản, kế hoạch kinh doanh và làm việc với đối tác từ phía Mỹ để tìm cách chia sẻ rủi ro. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động đánh giá tác động của việc tăng thuế, đồng thời có biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình trong chuỗi giá trị.

CẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NỘI LỰC CỦA NỀN KINH TẾ

Về dài hạn, đại diện chính phủ và hiệp hội doanh nghiệp tại châu Âu, cho rằng Việt Nam nên sử dụng những đòn bẩy kinh tế trong nước, để tạo ra một động lực tăng trưởng khác bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Việt Nam là một thị trường năng động, đang phát triển với tốc độ cao. Đây là thời điểm phù hợp để tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hỗ trợ cho tăng trưởng trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc tăng đầu tư để xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước nhằm tạo ra những sản phẩm 80 -100% “made in Vietnam” cũng là một mục tiêu cần hướng đến để giảm thiểu các rủi ro trong tương lai. 

Tại tọa đàm, ông Jaspaert nhận định Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đủ tiềm lực tài chính và sự ổn định để có bước đột phá về kinh tế thông qua bỏ vốn đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong nước. 

“Chỉ riêng đẩy mạnh chi tiêu công vào dự án đường sắt tốc độ cao có thể giúp GDP tăng thêm một vài điểm phần trăm trong 3 năm tới. Việt Nam là một đất nước kiên cường. Nếu Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% thì họ sẽ đạt được điều này ngay cả khi điều kiện kinh tế toàn cầu có diễn biến bất lợi”, Chủ tịch EuroCham tin tưởng. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate