March 28, 2013 | 07:50 GMT+7

Chủ tịch nước: Hiến pháp cần được toàn Đảng, toàn dân hài lòng

Nguyễn Lê

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nghe góp ý sửa Hiến pháp chiều 27/3

Nhấn mạnh sự thiết thực trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự 
thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch nước cho rằng từ khâu lắng nghe, tổng 
hợp, chuyển tải đến cơ quan cao nhất phải hết sức đầy đủ.
Nhấn mạnh sự thiết thực trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch nước cho rằng từ khâu lắng nghe, tổng hợp, chuyển tải đến cơ quan cao nhất phải hết sức đầy đủ.
"Đảng chưa ra bao giờ tách rời nhân dân, nhưng một bộ phận đảng viên, cán bộ đã tách rời nhân dân, đó là vấn đề phải chấn chỉnh", Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp ý sửa đổi Hiến pháp.

Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào chiều 27/3 có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Bên cạnh hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng tại điều 4, các ý kiến còn góp ý vào nhiều nội dung quan trọng khác của dự thảo.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện thì không thể không khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng Đảng và từng đảng viên phải đổi mới, thực sự vì nhân dân phục vụ.

PGS. Lê Mậu Hãn, nguyên cán bộ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhấn mạnh, thực tiễn đã chứng minh nếu Đảng luôn gắn với dân, vì lợi ích của dân tộc thì toàn dân sẽ bảo vệ Đảng. Điều 4 có thể sửa là “Đảng là đội tiên phong của dân tộc Việt Nam, Đảng gắn bó với dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật”, ông Hãn góp ý.

Tha thiết muốn giữ lại điều 4, Thượng tọa Danh Lung, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bổ sung Đảng và đảng viên không xa rời dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của dân, vì nếu xa dân thì không còn là Đảng của dân.

Tự giới thiệu là người ngoài Đảng, doanh nhân Đặng Văn Khoa, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói, những phát biểu thẳng thắn của Chủ tịch nước về những mặt  được, chưa được của Đảng đã nhận được sự đồng cảm của dân. Ông Khoa bày tỏ hy vọng lần sửa đổi Hiến pháp này, Đảng lắng nghe được ý kiến của nhân dân, tạo được sự đồng thuận lớn, để có một bản Hiến pháp có thể vận dụng trực tiếp, tránh việc “theo quy định của pháp luật”.

Cho biết là đã suy nghĩ rất nhiều về điều 4, ông Khoa góp ý, “tôi khẳng định rằng Hiến pháp vẫn cần khẳng định sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng nên chăng cần lắng nghe các ý kiến trái chiều, tránh quy kết”.

Vị doanh nhân này cũng đề nghị, để mở ra thời kỳ mới về dân chủ của đất nước, cần mở rộng quyền dân chủ trực tiếp, cần để nhân dân phúc quyết Hiến pháp. “Nếu Chủ tịch nước, chủ tịch các tỉnh thành được nhân dân bầu trực tiếp thì sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn trong thực hiện quyền dân chủ của nhân dân”, ông Khoa nói.

Để toàn dân bầu Chủ tịch nước để thêm giá trị vị trí thượng tôn của lá phiếu nhân dân, ông Hãn bày tỏ quan điểm.

PGS. Quách Sỹ Hùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, Hiến pháp nên mở ra một mốc son, mở ra một thời đại dân chủ hơn, tiến bộ hơn, đó là quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. “Nếu dân chỉ được bầu Quốc hội, hội đồng nhân dân thì hạn chế quá. Những vị trí như Chủ tịch nước, chủ tịch chính quyền các cấp được nhân dân bầu thì không khí dân chủ sẽ rộng mở hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị gọi tên là Hiến pháp 2013 vì đó là cơ sở để tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị từ nay về sau.

Ông Truyền cũng cho rằng Hiến pháp phải tăng tính áp dụng trực tiếp, bớt đi cụm từ rất nặng nề “theo quy định của pháp luật”, làm hạ thấp vai trò của Hiến pháp là một đạo luật gốc.

Nhận xét hiện nay việc lạm quyền đang diễn ra nhiều, ông Truyền góp ý việc kiểm soát quyền lực cần được ghi rõ trong Hiến pháp, cả về quyền kiểm soát quyền lực của nhân dân và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước, không được thể hiện chung chung.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các ý kiến tại hội nghị rất tâm huyết, sâu sắc. Nhấn mạnh sự thiết thực trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch nước cho rằng từ khâu lắng nghe, tổng hợp, chuyển tải đến cơ quan cao nhất phải hết sức đầy đủ.

“Mục đích là chúng ta sẽ có một bản Hiến pháp mà toàn Đảng, toàn dân đều hài lòng. Bộ phận biên tập phải hết sức công phu. Tôi sẽ còn quay lại nghe thêm các cụ, các vị đóng góp ý kiến. Có thể chúng tôi sẽ chủ động đặt hàng Mặt trận Tổ quốc các vấn đề chưa rõ để nghe thêm ý kiến”, Chủ tịch phát biểu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate