Trong điều kiện mới giành được độc lập, nhiều công việc bề bộn chống thù trong giặc ngoài, Người vẫn tìm mọi cách giải quyết ngay việc chống nạn đói và giặc dốt. Trong buổi họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc sau ngày độc lập, Người đã yêu cầu “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành”.
MUỐN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẤT YẾU PHẢI DỰA VÀO NHÂN DÂN
Thực hiện các nhiệm vụ trên cần đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế. Trong điều kiện nước nhà mới giành được độc lập còn rất nhiều khó khăn, muốn đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế tất yếu phải dựa vào nhân dân. Là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thấy phải huy động được các nguồn lực có sẵn trong dân, mà trong thời kỳ phong kiến, thực dân, bọn chúng không huy động được, thậm chí còn làm thui chột do nạn bóc lột cướp bóc nặng nề.
Những nguồn lực có sẵn trong dân ấy, vào thời điểm đó, bộ phận quan trọng là những người sản xuất kinh doanh nằm trong phạm trù thành phần kinh tế tư nhân. Đó là thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của những người nông dân riêng lẻ, những nhà tư bản công thương. Họ là lực lượng đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước cần được khuyến khích giúp đỡ bên cạnh kinh tế quốc doanh.
Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, khi nói về chính sách của Chính phủ với thành phần kinh tế này, Người đã viết “Công tư đều lợi... Tư, những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên chính phủ cần giúp đỡ họ phát triển”.

Trong các nguồn lực ấy, đầu tiên, Người nghĩ đến là nguồn lực từ nông dân và nông nghiệp. Người rất coi trọng vai trò của nông dân và nông nghiệp. Trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Người viết “nền kinh tế nước ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giầu thì nước ta giầu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Người coi trọng nông nghiệp và nông dân vì nông dân là lực lượng lao động đông đảo, có vai trò quyết định trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nông nghiệp có vai trò quan trọng đóng góp xây dựng đất nước. Ngay trong những ngày đầu mới giành được độc lập, để chống nạn đói, Người đã kêu gọi toàn dân, trước hết là nông dân phải phát triển sản xuất.
Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp năm mới 1946, Người viết “Ra sức giồng giọt, chăn nuôi để cứu nạn đói hiện tại và tránh nạn sau này”. Vào thời kỳ đó lực lượng để sản xuất là những người nông dân riêng lẻ nên Người còn nhắc cán bộ cách thức để những người nông dân sản xuất tốt, “Đa số nông dân làm ăn riêng lẻ. Muốn sản xuất tốt, phải xây dựng tổ đổi công cho tốt”.
Nguồn lực quan trọng thứ hai mà Người rất chú trọng động viên, khuyến khích phát triển là các nhà sản xuất kinh doanh công thương nghiệp. Đây là lực lượng sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng, lưu thông trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp với nông nghiệp, cũng là bộ phận tích lũy đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Hơn nữa theo Người, giữa phát triển công thương nghiệp với phát triển kinh tế của đất nước có tác dụng hỗ trợ nhau, khi nền kinh tế phát triển thì cũng giúp cho các nhà kinh doanh công thương nghiệp phát triển.
Người cho biết “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết này… Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.
Không những giúp các nhà tư bản công thương sản xuất, kinh doanh thuận lợi mà Người còn có sự chỉ đạo để bộ phận này hoạt động bền vững, ổn định khi Người hướng dẫn để quan hệ giữa các chủ tư bản với công nhân làm thuê hợp tác với nhau thuận lợi. “Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ quyền lợi của công nhân. Đồng thời vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức”, Người viết.

Sự quan tâm đến bồi dưỡng phát huy các nguồn lực của kinh tế tư nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ hơn trong báo cáo về dự thảo hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 18/12/1959. Trong báo cáo này, Người đã chỉ ra các hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất khi nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) bao gồm sở hữu của Nhà nước, sở hữu của hợp tác xã, sở hữu của người lao động riêng lẻ, một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản. Người xác định để đi lên CNXH thì Nhà nước phải phát triển ưu tiên sở hữu Nhà nước, đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ sở hữu hợp tác cho nó phát triển.
Với sở hữu của người lao động riêng lẻ, thợ thủ công thì “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất, theo nguyên tắc tự nguyện”. “Với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác”.
Từ những điều trên đây, có thể hiểu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với kinh tế tư nhân như sau:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định kinh tế tư nhân có vai trò rất lớn trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao đời sống của nhân dân và đóng góp xây dựng đất nước.
Thứ hai, trong thời kỳ quá độ lên CNXH vẫn tồn tại kinh tế tư nhân và thành phần kinh tế này được hoạt động hợp pháp. Nhiệm vụ của Nhà nước là giúp đỡ họ phát triển sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn họ cải tạo theo hướng đi lên CNXH.
NGUYÊN NHÂN NGƯỜI COI TRỌNG NGUỒN LỰC KINH TẾ TƯ NHÂN
Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chú ý và coi trọng những nguồn lực thuộc thành phần kinh tế tư nhân? Có thể lý giải bằng các nguyên nhân sau đây:
Một là, xuất phát từ lòng thương yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người dân Việt Nam ở mọi giới nông, công, thương Người đều có lòng thương yêu sâu sắc. Người xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ là phải giúp đỡ, phục vụ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho họ. Người cho rằng Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Lòng thương yêu, quý trọng nhân dân khiến Người không lúc nào không nghĩ đến đời sống của mọi người dân, luôn muốn “ai cũng cơm no áo ấm và được học hành”.
Vì thế theo Người, giúp dân tăng gia sản xuất, kinh doanh để nâng cao đời sống và đóng góp xây dựng đất nước là việc làm cần thiết của Chính phủ,
đặc biệt là giúp nông dân vì đa số người dân Việt Nam sống ở nông thôn, có đời sống cực kỳ khó khăn do sự bọc lột của địa chủ phong kiến và đế quốc.
Hai là, Người thấm nhuần quan điểm của Lênin về sự phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi giành được chính quyền, Lênin đã chỉ ra con đường nhà nước Xô Viết quá độ đi lên CNXH từ một nước Nga còn chưa phát triển. Lênin đưa ra khái niệm quá độ lên CNXH như sau: “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa Tư bản lẫn CNXH không? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có”.
Sau đó, Lê nin đã nêu ra kết cấu kinh tế của nước Nga với năm thành phần kinh tế, trong đó có 3 thành phần thuộc kinh tế tư nhân là kinh tế nông dân gia trưởng, sản xuất hàng hóa nhỏ và kinh tế tư bản tư nhân đều ở trình độ thấp và khẳng định nước Nga đi lên CNXH với xuất phát đó.
Là một nhà cách mạng thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin sâu sắc nên khi xác định đường lối kinh tế ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ đặc điểm kinh tế của nước ta. Theo Người, “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Người còn nói: “Chúng tôi xây dựng CNXH trong hoàn cảnh một nước vốn là thuộc địa, một nước nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh xâm lược tàn phá”.
Với nhận thức như vậy, Người đã phân tích sâu sắc thực trạng của kinh tế Việt Nam, trong đó có sự tồn tại của các bộ phận thuộc thành phần kinh tế tư nhân để có chính sách đúng đắn với bộ phận kinh tế này.
Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, khi phân tích cơ cấu kinh tế của Việt Nam, Người đã chỉ ra các bộ phận của thành phần kinh tế tư nhân bao gồm: kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ, kinh tế tư bản của tư nhân bên cạnh các bộ phận của kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Trong mỗi bộ phận của thành phần kinh tế này, Người đều phân tích rõ mặt ưu và mặt khuyết để có cách xử lý đúng đắn, khoa học với mục tiêu là phát huy mọi nguồn lực để phát triển sản xuất và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Trong báo cáo Dự thảo Hiến pháp trước Quốc hội năm 1959, Người còn chỉ rõ chính sách của Nhà nước đối với các bộ phận của thành phần kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên CNXH rất phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê nin.
Ba là, xuất phát từ quan niệm và tác phong của Người là gần dân, quan tâm đến đời sống và sản xuất, buôn bán của người dân, vì thế, Người yêu cầu rất cao trách nhiệm của Đảng lãnh đạo. Người viết: “Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân”.
Việc giúp đỡ các bộ phận thuộc thành phần kinh tế tư nhân là những người nông dân, những người thợ thủ công cá thể phát triển sản xuất, những nhà tư bản công - thương sản xuất và kinh doanh thuận lợi, trước hết là giúp họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sau đó là đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước, dần dần đưa đất nước đi lên CNXH là nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đối với Đảng lãnh đạo.
Thực hiện di huấn của chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã từng bước nhận thức được vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân và có đối sách với thành phần kinh tế tư nhân phù hợp với đường lối kinh tế của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng.
NHẬN THỨC CỦA ĐẢNG VỀ VAI TRÒ CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN
Thời kỳ trước đổi mới: đây là thời kỳ Đảng ta thực hiện phát triển kinh tế có kế hoạch. Với thành phần kinh tế tư nhân (kinh tế cá thể, tiểu chủ, và tư bản tư nhân - tư sản dân tộc), Đảng ta chủ trương dùng chính sách “sử dụng, hạn chế và cải tạo” với phương châm sử dụng cái hiện có và sử dụng để cải tạo tốt hơn, hạn chế phát triển mới.

"Sự quan tâm đến bồi dưỡng phát huy các nguồn lực của kinh tế tư nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ hơn trong báo cáo về dự thảo hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 18/12/1959.
Trong báo cáo này, Người đã chỉ ra các hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất khi nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) bao gồm sở hữu của Nhà nước, sở hữu của hợp tác xã, sở hữu của người lao động riêng lẻ, một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản. Người xác định để đi lên CNXH thì Nhà nước phải phát triển ưu tiên sở hữu Nhà nước, đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ sở hữu hợp tác cho nó phát triển".
Trong lĩnh vực thương mại, Đảng chủ trương xóa bỏ ngay thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, sắp xếp sử dụng tiểu thương trong những ngành hàng cần thiết và chuyển sang sản xuất, dịch vụ với số tiểu thương trong những ngành hàng không cần thiết. Với các cơ sở vẫn được phép kinh doanh thì Nhà nước tăng cường quản lý bằng những biện pháp thích hợp (Nhà nước nắm trọn quyền bán buôn, chi phối được bán lẻ). Nhà nước độc quyền ngoại thương.
Từ khi thực hiện đường lối Đổi mới: năm 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới nên về mặt chính sách kinh tế có nhiều sự thay đổi quan trọng. Với việc thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, Đảng ta chủ trương phát triển mạnh mẽ, không hạn chế kinh tế tư nhân, cho phép kinh tế tư nhân hoạt động trong những ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của mọi người dân.
Tuy nhiên, Đại hội VI mới cho phép tư bản nhỏ hoạt động trong một số ngành nghề, có giới hạn về quy mô và mặt hàng, xóa bỏ thương nghiệp tư bản tư nhân (trừ một số mặt hàng tươi sống). Đến Hội nghị Trung ương 6 (Khóa VI) mở rộng thêm: cho tư nhân được kinh doanh không hạn chế quy mô, địa bàn hoạt động trong những ngành nghề sản xuất, xây dựng, vận tải, dịch vụ mà pháp luật không cấm với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, cho phép tư nhân kinh doanh vàng, bạc, thí điểm cho tư nhân đăng ký kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng, xác định những ngành nghề mà kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân có thể làm tốt, có lợi cho nền kinh tế để phát triển.
Đại hội lần thứ VII của Đảng khẳng định “Cơ chế vận hành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong cơ chế đó, các đơn vị kinh tế có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp, hợp tác và liên doanh tự nguyện”.
Thực hiện cơ chế này, Nhà nước chủ trương giao ruộng đất cho nông dân, phát triển mạnh kinh tế gia đình, “kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất… trong đó kinh tế cá thể, tiểu chủ có phạm vi hoạt động tương đối rộng ở những nơi chưa có điều kiện tổ chức kinh tế tập thể, hướng kinh tế tư nhân phát triển theo con đường tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức.
Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa VII tiếp tục khẳng định kinh tế cá thể, tiểu chủ hoạt động phần lớn dưới hình thức hộ gia đình, đang là bộ phận đông đảo và có tiềm năng to lớn, có vị trí quan trọng, lâu dài phải có chính sách giúp đỡ, hỗ trợ. Kinh tế tư bản tư nhân trong và ngoài nước sẽ được Nhà nước tiếp tục khuyến khích phát triển trong những ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm, bảo hộ quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp của họ, góp vốn cùng tư nhân đầu tư phát triển trên cơ sở thỏa thuận, khuyến khích các chủ doanh nghiệp tư nhân dành cổ phần ưu đãi cho công nhân viên làm việc trực tiếp trong doanh nghiệp, hướng dẫn họ khắc phục các khó khăn, làm ăn đúng luật pháp.
Đại hội lần thứ VIII của Đảng chủ trương giúp đỡ kinh tế cá thể, tiểu chủ giải quyết các khó khăn về vốn, khoa học và công nghệ, thị trường tiêu thụ, hướng dẫn họ đi vào làm ăn hợp tác một cách tự nguyện, khuyến khích tư bản tư nhân đầu tư vào sản xuất, yên tâm làm ăn lâu dài, bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp.
Đại hội Đảng lần thứ IX, thành phần kinh tế tư nhân tiếp tục được khuyến khích phát triển rộng rãi, không hạn chế trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, khuyến khích tham gia vào hoạt động công ích và dịch vụ công, vào hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội, vào những ngành Nhà nước ưu tiên, kể cả đầu tư ra nước ngoài. Nhà nước giúp đỡ tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, kể cả các doanh nghiệp tư nhân lớn.
Đại hội lần thứ X của Đảng đã xác định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Đại hội XI, Đại hội XII vẫn khẳng định lại quan điểm đó và nhấn mạnh cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển mạnh thành phần kinh tế tư nhân “trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”.
Sau các kỳ Đại hội, với các chính sách giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn của Nhà nước, kinh tế tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ. Ngoài các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể có mặt rộng khắp các ngành, các địa phương, đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có mặt cả ở nước ngoài. Tình hình đó đặt ra cho Đảng ta cần có nhận thức mới và quyết tâm mới.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nhất là gần đây, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế… cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng”.
Từ những quan điểm và chính sách của Đảng ta với kinh tế tư nhân, cho chúng ta một số nhận xét sau:
Một là, nhận thức và chính sách của Đảng ta về kinh tế tư nhân là một quá trình từ thấp lên cao. Đó là một quá trình đấu tranh rất khó khăn trong nhận thức và trong thực tiễn của toàn Đảng và toàn dân ta dưới sự soi dọi của tư tưởng kinh tế và kinh tế tư nhân của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai là, khẳng định bản chất cách mạng, không ngừng đổi mới của Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2025, phát hành ngày 19/05/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1384