Sáng 12/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lần lượt tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đang có chuyến thăm Việt Nam.
ĐỀ NGHỊ NHẬT TIẾP TỤC HỖ TRỢ VACCINE CHO VIỆT NAM
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ông Kishi Nobuo lựa chọn Việt Nam là quốc gia tới thăm đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của hai Bộ Quốc phòng hai nước trong việc tổ chức hoạt động giao lưu cấp cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Kishi Nobuo và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả này góp phần làm sâu sắc quan hệ hai nước, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của mỗi nước, khu vực và thế giới.
Trong đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Nhật Bản triển khai khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin, hợp tác tìm kiếm cứu nạn, an ninh biển. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước.
Vui mừng nhận thấy dù hai năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn được duy trì, tăng cường, Chủ tịch nước cho biết, Nhật Bản tiếp tục duy trì là nước đứng vị trí thứ hai về vốn đầu tư nước ngoại tại Việt Nam với 65 tỷ USD. Kết thúc năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước đạt 40 tỷ USD.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hội đàm giữa 2 Bộ trưởng quốc phòng; cho rằng, kết quả này góp phần làm sâu sắc quan hệ hai nước, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của mỗi nước, khu vực và thế giới.
Về hợp tác phòng, chống Covid-19, Chủ tịch nước đánh giá cao Nhật Bản đã hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam; đồng thời cảm ơn Chính phủ Nhật đã hỗ trợ Việt Nam hơn 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19.
Thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vaccine, cũng như giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine khác; hỗ trợ Việt Nam sản xuất vaccine và trang thiết bị y tế.
Hoan nghênh và ủng hộ Nhật Bản đã có nhiều đóng góp tích cực trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng thời đánh giá cao lập trường của Nhật Bản về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đánh giá cao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trên mọi cương vị đảm nhiệm đã có nhiều đóng góp thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian qua; đồng thời khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Nhật Bản ở khu vực.
Bộ trưởng vui mừng thông báo với Chủ tịch nước về kết quả hội đàm rất tốt đẹp giữa ông và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang; mong muốn hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở các thỏa thuận đã ký kết. Nhật Bản tiếp tục tích cực triển khai hợp tác với Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn, an ninh biển.
Về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh, Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để kiểm soát dịch bệnh và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch.
VIỆT NAM TIẾP TỤC TẠO MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ MINH BẠCH, ĐỒNG HÀNH VỚI DOANH NGHIỆP FDI
Cũng trong buổi sáng, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao và khẳng định sẽ tạo điều kiện để quan hệ hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục phát triển thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo…; khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững và lâu dài, vì thịnh vượng và phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa đạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam hoan nghênh những đóng góp tích cực của Nhật Bản và ủng hộ Nhật Bản ngày càng có vai trò lớn hơn trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới.
Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của Nhật Bản do đại dịch Covid-19, đánh giá cao Nhật Bản đã hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam. Qua đây, Thủ tướng gửi lời cảm ơn Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam hơn 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, viện trợ không hoàn lại 200 triệu Yên để bảo quản vaccine và đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Thủ tướng nhấn mạnh đại dịch là vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu, cần sự đoàn kết và chung tay của tất cả các nước để ứng phó; đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vaccine, giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là trong tháng 9, tháng 10 này và hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.
Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục dành các dự án ODA mới, ưu tiên cho phát triển hạ tầng chiến lược; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, xanh, sạch; tăng cường hợp tác chuyển đổi số; thúc đẩy sớm mở cửa thị trường tiêu thụ thuận lợi cho nông thủy sản của Việt Nam và một số nông sản của Nhật Bản.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và sẵn sàng đồng hành, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật.
Thủ tướng cũng đề nghị Nhật Bản tăng cường tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam, tăng học bổng và hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản; mong hai bên phối hợp nối lại việc đi lại bình thường giữa hai nước khi điều kiện cho phép.
Đồng tình cao với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát và ứng phó với đại dịch Covid-19, khẳng định sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan để tiếp tục hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, các nước, các tổ chức quốc tế để ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Kishi Nobuo khẳng định quan hệ quốc phòng hai nước đang có những bước phát triển mới; nhấn mạnh Việt Nam ngày càng có vai trò chiến lược quan trọng, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên như khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng và tìm kiếm cứu nạn.
Cũng tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực. Về vấn đề trên biển, trong đó có Biển Đông, biển Hoa Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm của Việt Nam là duy trì hòa bình, ổn định; bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước; giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng các biện pháp hòa bình qua tiến trình ngoại giao trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Về các vấn đề khu vực khác, Việt Nam ủng hộ tiến trình hoà bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nghiêm túc thực hiện các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Phía Nhật Bản khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về vấn đề Myanmar, trong đó có việc triển khai thực hiện Đồng thuận 5 điểm đã được Lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua nhằm mang lại hòa bình, ổn định và cuộc sống an toàn cho người dân.