Trả lời chất vấn tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 sáng 8/6 về tình trạng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định không có một chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện nay, quy mô trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1.374.000 tỷ đông, chiếm khoảng 15% GDP. So với mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ ban hành thì đến năm 2025 chúng ta phải đạt được 20% và đến năm 2030 đạt được 25%. Đây mới đạt 15%, tức là đang ở trong khoảng cho phép.
"So với các nước xung quanh, trái phiếu doanh nghiệp của chúng ta huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện, tuy nhiên, việc huy động phải minh bạch và phải đúng pháp luật", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Không đồng tình với cách so sánh này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc so sánh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của ta với các nước là khập khễnh vì các nước có lịch sử rất lâu đời, trong khi mình thì mới còn rất sơ khai.
Vấn đề quan trọng là riêng năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng rất đột biến. Nếu 2020 chỉ có khoảng hơn 4% GDP, nhưng đến 2021 đã tăng lên 15% GDP, trong khi đó mục tiêu chúng ta đến 2025 chỉ có 20%.
Riêng năm 2021 tăng rất đột biến và để xảy ra những sai phạm như đại biểu đã biết. Bây giờ cũng cần phải rà soát lại xem chính sách, pháp luật có gì bất cập và sơ hở không? Nghị định 153 chúng ta ban hành về lĩnh vực này như thế nào? Hướng tới đây hoàn thiện việc này như thế nào? Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ra sao?
"Mặc dù cơ quan nào cũng nói rằng không có động thái siết thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nhưng trong thực tế 4, 5 tháng đầu năm nay hầu như không có phát hành và những vấn đề liên quan đến nợ đến hạn của một số các trái chủ, những người phát hành trái phiếu Chính phủ thì khả năng khi đến hạn phải trả của năm nay rất lớn, thanh khoản của lĩnh vực này như thế nào?
Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các đồng chí quan tâm báo cáo thêm với Quốc hội trong lĩnh vực này. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát như thế nào? Đại biểu Thái Quỳnh Mai còn nói ý là vụ Tân Hoàng Minh đang xử lý như vậy nhưng hiện nay vẫn còn có tình trạng các công ty đi mời chào các nhà đầu tư tư nhân để bán trái phiếu doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững. Việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh sai phạm chưa kịp thời nên khi phát hiện, xử lý thì các vụ việc đã rất nghiêm trọng, hiệu ứng xấu cho thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Thị trường cổ phiếu xuất hiện hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro đã xảy ra gian lận khi xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp vi phạm quy định khi cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp sử dụng vốn huy động. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm bằng tài sản rủi ro còn lớn.
Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:
Như VnEconomy đưa tin, số liệu từ Chứng khoán KBSV cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 4/2022 đạt 16.472 tỷ đồng giảm 23,2% so với tháng trước.
Lượng trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh trong tháng 4 sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung điện Mùa đông, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil, đã khiến Chính Phủ và Bộ Tài chính liên tục đốc thúc các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Tháng 4, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu đến từ các ngân hàng với mức phát hành đạt 14.940 tỷ đồng (tương đương chiếm 90,7%), và không ghi nhận đợt phát hành nào đến từ các doanh nghiệp bất động sản.