Cần có giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng…, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội, sáng 20/10.
Nhấn mạnh bối cảnh kỳ họp thứ hai diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra, Chủ tịch nói, Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi đến đồng bào, đồng chí vùng bị nạn.
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Đề cập tình hình kinh tế xã hội, Chủ tịch nêu rõ, kế hoạch kinh tế - xã hội 2016 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đất nước còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, sự cố môi trường và lũ lụt ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nhân dân.
Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường giá dầu thô giảm mạnh, duy trì ở mức thấp hơn so với dự kiến kế hoạch, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước và các cân đối vĩ mô.
“Trước tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tập trung vào ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết các vấn đề chủ yếu sẽ được Quốc hội xem xét quyết đinh.
Cụ thể, Quốc hội xem xét, thông qua một số dự án luật, Nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật, trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng, điều chỉnh những lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm như: Luật Về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đấu giá tài sản, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp,...
Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Các báo công tác của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và một số báo cáo chuyên đề khác cũng nằm trong nghị trình của kỳ họp này.
Quốc hội còn dành thời gian xem xét báo cáo “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của. báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, có nhiều ý kiến chất lượng, góp phần cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.