December 13, 2021 | 16:38 GMT+7

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Đông Nam Á trải lòng về giáo dục trong thời dịch bệnh

Song Hoàng -

Hai năm vừa qua, người sáng lập Sơn Kim Group và cộng sự đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để duy trì hoạt động của Trường liên cấp Duy Tân...

Bà Nguyễn Thị Sơn – Nhà sáng lập Sơn Kim Group
Bà Nguyễn Thị Sơn – Nhà sáng lập Sơn Kim Group

Bà Nguyễn Thị Sơn là người sáng lập Sơn Kim Group - Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, truyền thông, bán lẻ, thời trang và giáo dục.
Hiện bà Nguyễn Thị Sơn đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Đông Nam Á và Trường liên cấp Duy Tân, TP HCM.

Hai năm vừa qua, người sáng lập Sơn Kim Group và cộng sự đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để duy trì hoạt động của Trường liên cấp Duy Tân.

Kể lại với VnEconomy về quãng thời gian đặc biệt khó khăn do Covid -19 gây ra, bà Nguyễn Thị Sơn cho biết không quên được quãng thời gian đáng nhớ đó.

Tháng 2 năm 2020, sau khi ăn Tết xong và chuẩn bị cho học sinh đến trường thì tin tức đầu tiên về dịch bệnh tại Vũ Hán, Trung Quốc được truyền thông đưa tin rộng, con số tử vong ngày càng tăng rồi lan ra các quốc gia quanh vùng kể cả Việt Nam.

Mới đầu là cách ly vài địa điểm nhỏ lẻ, rồi sau đó giãn cách trên toàn quốc. "Mặc dù nhà trường nghiêm túc khử khuẩn, làm vệ sinh và tập huấn cho học sinh cách phòng bệnh, nhưng khi nhìn các cháu đeo khẩu trang nô đùa tôi thấy không có cách nào yên tâm. Trẻ con mà bảo chúng đeo khẩu trang 8 tiếng trong trường, lúc ăn cơm, lúc ngủ trưa, gỡ ra, đeo vào. Làm sao yên tâm được?", bà Sơn nhớ lại.

Vậy là trường đành cho học sinh về nhà học online suốt từ Tết đến hè. Hiện các cháu vẫn chưa thể quay lại trường.

Mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, do nghỉ học vì Covid- 19 nên kéo dài đến tháng 8. Thời điểm đó trời mưa tầm tã, nỗi lo Covid lây lan trong trường học ngày càng lớn.

"Tôi đã rất sợ hãi nhưng cuối cùng các sĩ tử vẫn đội mưa đi thi. Kết quả năm ấy học sinh đậu tốt nghiệp 100% cũng như một sự an ủi cho học sinh và nhà trường. Dù vậy, trong đầu tôi vẫn luôn ám ảnh với các câu hỏi, nếu một học sinh lây bệnh sẽ truy vết tất cả học sinh, thầy cô giáo, cán bộ nhân viên và gia đình học sinh? Con số lên cả ngàn người, lúc ấy nếu không truy vết được, dịch bệnh bùng phát trong trường học của mình thì sẽ ra sao? Chỉ cần một học sinh không may tử vong vì Covid -19 thì nỗi ám ảnh sẽ lớn như thế nào?", người sáng lập Sơn Kim Group trải lòng.

Sự sợ hãi cứ như cái lò xo nén mãi. Bất cứ tin tức gì ngoài xã hội cũng làm tôi bức xúc. Các thầy cô giáo và các phụ huynh bắt đầu lo sợ, chụp hình ảnh TP Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách. Đường xá vắng tanh vắng ngắt, các nhà mặt tiền trung tâm thành phố không có người thuê nên phải đóng cửa. Các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất đóng cửa một phần nhà máy, thậm chí đóng toàn bộ. Phụ huynh lo lắng mất việc làm thì làm sao có tiền đóng học phí cho con.

Các trường tư thục đương nhiên gặp những khó khăn rất lớn, do tiền thuê mặt bằng, tiền trả lương giáo viên, nhiều thứ tiền đã đầu tư không có nguồn để bù vào...

Nhưng dịch bệnh thì vẫn phải học, dù là học online. Trong năm 2020, trường Duy Tân đã hợp tác với Viện Khoa học Pháp lý IBLA và Công ty Seaedi đã sản xuất, đăng tải trên hơn 80 video cho học sinh, sinh viên học online.

Bà Sơn kể tiếp: "Tưởng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc nhưng nó vẫn kéo dài qua năm 2021 và bùng phát nặng nề. Ngày 05/09/2021 vừa qua thực sự là thiệt thòi cho các con khi không được tổ chức khai giảng như hằng năm, không được đánh trống trường rộn rã, không được vinh dự đọc thư của Chủ tịch nước. Nhà trường đành tổ chức khai giảng online".

"Nói chung, hai năm qua tôi đã chứng kiến những khó khăn không tưởng của mọi thành phần kinh tế. Qua nhiều đợt giãn cách, đã có rất nhiều các cơ sở, dịch vụ, tiểu thương, doanh nghiệp, cả những người buôn bán rất nhỏ như những người làm xe ôm, taxi... phải đối mặt với nhiều thách thức, thách thức lớn thực sự về cả vật chất, tinh thần".

Nói về các trường tư thục, thì theo bà Sơn, hiện các trường hệ thống trường ngoài công lập rất khốn khổ. Vì không biết tìm đâu nguồn thu để bù vào tiền thuê mặt bằng, tiền đầu tư thiết bị theo chuẩn của giáo dục, tiền duy trì lương tối thiểu cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của mình.

Vừa qua, các tổ chức như VCCI, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệp hội các trường học đều đã kiến nghị các giải pháp phục hồi kinh tế liên quan đến gói cứu trợ, giãn nợ ngân hàng, lãi suất vay ngân hàng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế chuyển nhượng cổ phần, tài sản...

"Rất mong Nhà nước, Chính phủ sẽ quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, trường tư để họ sớm hoạt động ổn định trở lại.
Qua những đợt chống dịch, những đợt giãn cách diện rất rộng vừa qua, thậm chí giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, tôi nghĩ chúng ta cần rút kinh nghiệm, rút ra các bài học để ứng phó với dịch bệnh hiệu quả hơn.

Chống dịch nên dựa vào sức dân, phải xã hội hóa việc chữa trị và phòng ngừa dịch bệnh. Thế giới đã có thông điệp, phải sống chung với Covid-19 và các biến thể của chúng bằng biện pháp 5k và tiêm ngừa vaccine. Việt Nam cũng nên làm theo cách này, hạn chế tối đa ngăn sông cấm chợ, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, doanh nghiệp", bà Sơn nêu kiến nghị.

Vì nếu cứ ngăn sông, cấm chợ, cách ly và làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp, thì kinh tế suy yếu. Kinh tế suy yếu, sẽ không có nguồn lực để dành cho việc chống dịch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate