Tỷ phú công nghệ N. R. Narayana Murthy, được mệnh danh là "Bill Gates của Ấn Độ", đã có cuộc đối thoại với các chuyên gia công nghệ thông tin Việt Nam tại FPT F-Ville 3, khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ông Narayana Murthy cũng đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, về nhiều vấn đề từ việc phát triển hai tập đoàn, những dấu mốc quan trọng, đến kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, về chặng đường ra nước ngoài của FPT cũng như nguồn cảm hứng đến từ Ấn Độ, từ công ty Infosys và ông Narayana Murthy.
NGUỒN CẢM HỨNG BẤT TẬN CHO THANH NIÊN VIỆT NAM
Đầu tiên, xin ông hãy chia sẻ về chặng đường ra nước ngoài của FPT và nguồn cảm hứng đến từ đất nước Ấn Độ?
Năm 1999, chúng tôi đã đến khu Bangalore và một ấn tượng không thể tưởng tượng được là Bangalore đã trở thành trung tâm phần mềm của thế giới và chính ông Narayana Murthy đã nói với tôi rằng: “Tôi sẽ cho anh xem cái nơi có đông lập trình viên nhất thế giới đang làm việc”. Đấy là một nguồn cảm hứng!
Nguồn cảm hứng thứ hai chính là lúc ngay cá nhân tôi cũng chưa tự tin về quyết định của mình, tức là chúng ta sẽ ghi tên Việt Nam trên bản đồ số thế giới. Tôi đã hỏi ông Murthy một câu hỏi rất đơn giản. “Bác có tin là người Việt Nam có thể làm được phần mềm cho thế giới hay không?”.
“Tại sao lại không?”, ông Murthy nói ngắn gọn như vậy. Và tôi tin chắc chắn là như vậy. Đấy là nguồn cảm hứng để Việt Nam chúng ta đi ra nước ngoài. Cũng phải nói rằng ngày đấy không phải chỉ FPT, mà tất cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam lúc đó đã đi nghiên cứu rất kỹ Ấn Độ làm phần mềm cho thế giới như thế nào. Và điều quan trọng bậc nhất là cái bước đầu tiên, chính là đem hệ thống giáo dục đào tạo của Ấn Độ, Aptech - lập trình viên quốc tế - về Việt Nam và chính trung tâm ấy đã đào tạo ra hàng vạn con người đáp ứng sự tăng trưởng sau này khi chúng ta phát triển.
Trong cuộc trò chuyện tại sự kiện đối thoại của ông Narayana Murthy với các chuyên gia công nghệ thông tin Việt Nam tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ông Narayana Murthy đã nói rất nhiều về tính chăm chỉ, sáng tạo của người Việt Nam cũng như tầm quan trọng của nguồn nhân lực. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về những chiến lược xây dựng nhân lực của Việt Nam, chúng ta có thể học hỏi điều gì?
Thực ra Bác Hồ đã dạy rồi, Việt Nam có bước lên đài vinh quang được hay không, chỉ là học tập thôi. Và trên thực tiễn chúng ta trong 24 năm vừa qua đã chứng minh rằng bằng học tập chúng ta có một triệu người làm công nghệ thông tin và nửa triệu người làm phần mềm và không phải quốc gia nào cũng một số lượng lớn như vậy. Cho nên tương lai chúng ta chỉ cần học tập là chúng ta dứt khoát sẽ đạt được mục tiêu.
CEO NVIDIA Jensen Huang đã nói, nếu Việt Nam tiếp tục xu hướng học tập về công nghệ mới như AI, như bán dẫn thì Việt Nam sẽ đứng vào danh sách các dân tộc tiên tiến nhất trên thế giới. Đấy là dự báo của những huyền thoại thế giới về công nghệ.
Vâng, ông có thể chia sẻ thêm về chuyến thăm của ông Narayana Murthy đến Việt Nam lần này?
Ông Narayana Murthy là một huyền thoại của thế giới và đến Việt Nam, ông ấy đã chia sẻ câu chuyện của mình từ người lau nhà, rửa bát trở thành một tỷ phú của thế giới, xây dựng những công ty ngưỡng mộ. Đấy là nguồn cảm hứng bất tận cho thanh niên Việt Nam.
Thứ hai, điều đó cũng xác thực một lần nữa là con đường thoát nghèo, thoát khổ không có cách nào ngoài công nghệ. Ngày hôm nay, chúng ta đã nói rõ rồi, đó là tuệ-bán-xe-số-xanh, nghĩa là trí tuệ nhân tạo rồi bán dẫn, ô tô, phần mềm và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chúng ta cũng khẳng định một lần nữa để chúng ta đi lên. Cuối cùng, ông Narayana Murthy đã bày vẽ cho FPT cũng như các doanh nghiệp khác, cách làm thế nào để trở thành các công ty tỉ đô la và nhiều tỷ đô la?
Cụ thể thì ông Narayana Murthy đã “bày vẽ” cho FPT và các doanh nghiệp những gì?
Thực sự mà nói, ông Narayana Murthy đã nói rồi: “bán hàng là số một”. Cho nên bây giờ FPT muốn tăng trưởng tiếp, thì chúng ta phải tìm tài năng bán hàng trên toàn thế giới, không phải chỉ là những người Việt Nam, học rồi làm, vừa học vừa làm vẫn rất tốt, nhưng đồng thời chúng ta phải tuyển dụng những người xuất sắc nhất trong lĩnh vực bán hàng. Đấy là điều thứ nhất.
Điều thứ hai là phải quản lý tài chính tốt. Ông Narayana Murthy nói rằng 1 USD có được là chúng ta phải làm sao chi tiêu chỉ trong khuôn khổ 1 USD cho phép để làm sao lợi nhuận phải đạt được khoảng 25% thì mới là đạt giỏi, chứ không phải cứ doanh số lên rất cao nhưng chi phí cũng rất cao thì chẳng còn gì nữa.
Về nhân sự thì Infosys là tấm gương sáng về đào tạo nội bộ. Tất cả cán bộ phải đi học, học thường xuyên, liên tục. FPT cũng đang học hỏi Infosys làm điều đó. Rất nhiều những chuyện cụ thể ông Narayana Murthy đều chia sẻ và không phải bây giờ, là nếu ông ấy không sang thì người FPT cũng sang Ấn Độ để học.
FPT ĐANG THAY ĐỔI VỊ THẾ, TỪ “ĐI XIN VIỆC” ĐẾN “THẾ GIỚI PHẢI CẦN ĐẾN FPT”
Vừa qua FPT đã có công bố rất lớn về cột mốc đạt doanh thu 1 tỷ USD đầu tiên, ông có thể chia sẻ chặng đường tiếp theo để FPT gặt hái được doanh thu 1 tỷ USD tiếp theo?
Ông Murthy đã đưa ra một tổng kết mà tôi rất giật mình. Đó là với Infosys của Ấn Độ, sau 23 năm, vào năm 2004, công ty đã làm được 1 tỷ USD đầu tiên và 23 tháng sau thì đạt thêm 1 tỷ USD nữa. Điều ấy chứng tỏ là chúng tôi đã có 24 năm để đạt “tỷ USD đầu tiên”, thì 24 tháng tiếp theo sẽ là cột mốc một tỷ USD mới, tức là chúng tôi chỉ đến 2025 sẽ đạt thêm một tỷ USD nữa.
Tốc độ tăng trưởng sau “cái tỷ đầu tiên” rất nhanh và ông Murthy đã nói một điều rất đáng ngạc nhiên, đó là không phải công ty nào trên thế giới, trừ Ấn Độ và Việt Nam, có công ty xuất khẩu phần mềm một tỉ USD, chỉ có hai nước trên thế giới.
FPT đã ra nước ngoài và hiện nay cũng rất nhiều các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực ra nước ngoài. Vậy theo ông, có những khó khăn và thuận lợi gì trong chặng đường “go global” của các doanh nghiệp Việt Nam?
Phải nói rằng đi ra nước ngoài là khó khăn, khó khăn muôn ngàn. Nhưng cơ bản nhất là chúng ta không sợ khó, chúng ta dám làm và chúng ta dám ra nước ngoài. Tôi lấy ví dụ như ở Nhật Bản, bây giờ chúng ta đã có mười mấy công ty và các công ty đều tăng trưởng cực kỳ nhanh.
Cho nên, nói đi rồi nói lại, việc ra nước ngoài, hiện diện, có văn phòng, có công ty ở nước ngoài sẽ quyết định sự tăng trưởng của đất nước.
Hiện nay FPT đang có định hướng sẽ thâm nhập vào những thị trường nước ngoài nào tiếp theo?
Danh sách các thị trường tiếp theo là những nước không nói tiếng Anh phổ cập, vì nói tiếng Anh phổ cập thì các quốc gia khác họ đã chiếm rồi nên sẽ không dễ, nhưng mà những nước không nói tiếng Anh phổ cập thì chúng ta gần như có thể nói theo một nghĩa nào đó là “chuột sa chĩnh gạo”.
Ví dụ như ở Nhật Bản, chúng ta đã đạt doanh thu đến mấy trăm triệu USD rồi và tăng trưởng năm vừa rồi là 51%, tức là một mức tăng trưởng không thể tưởng tượng được. Điều đó sẽ lặp lại ở tất cả các nước không coi tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính.
Mình lấy sức mạnh gì để chinh phục những quốc gia đấy, thưa ông?
Hiện nay Việt Nam đang được ghi nhận rất, rất cao. Thứ nhất là người Việt Nam rất cam kết với những lời hứa của mình. Việt Nam đã hứa là Việt Nam cố bằng mọi cách làm cho bằng được. Đấy là một điều được đánh giá “cao chót vót” và thực sự người ta cũng đánh giá công nghệ không phải là vấn đề của Việt Nam, tức là thậm chí với một công nghệ rất mới, thì người Việt Nam trong lúc làm việc, vừa học vừa làm, cũng làm được hết.
Việt Nam có ba sức mạnh quan trọng. Một là cam kết giữ lời hứa, hai là học rất nhanh và ba là nói tiếng bản địa.
Tức là nói tiếng bản địa của chính thị trường địa phương nơi mình đến?
Đúng thế.
Gần đây FPT đã tiếp rất nhiều các vị khách quý, các chuyên gia hay lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới. Dường như FPT đang muốn gửi tín hiệu là một doanh nghiệp tiên phong cũng như là cầu nối để những công nghệ tốt nhất thế giới đến với Việt Nam?
Thực ra là FPT đang ở trong một cái pha chuyển đổi. Nếu trước khi đạt 1 tỷ USD, chúng ta tiếp cận với các doanh nghiệp để nói rằng “chúng tôi có thể làm tốt công việc các bạn giao”, hay nói cách khác là “chúng ta đi xin việc”.
Sau 1 tỷ USD, FPT đang thay đổi vị thế, là thế giới phải cần đến FPT. Chúng ta phải nói chúng ta có những sản phẩm gì, những dịch vụ gì khác biệt trên thế giới. Ví dụ như chúng ta sẽ nói là chúng ta có năng lực làm AI lớn hàng đầu trong các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Chúng ta đầu tư vào hạ tầng, các nhà máy trí tuệ nhân tạo của NVIDIA và chúng ta đang bàn với NVIDIA để tạo ra một nguồn lực khổng lồ để phục vụ.
Cái này là chúng ta bắt đầu đi trước và tất cả các ngành từ bán dẫn cho đến ô tô cho đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số … , chúng ta bắt đầu chuyển đổi thì khi chúng ta chuyển đổi, chúng ta sẽ làm việc với những người đứng đầu thế giới.
Như vậy có nghĩa là 1 tỷ USD đầu tiên là chúng ta đi "xin việc", còn tỉ USD thứ hai là chúng ta phải thể hiện cho thế giới thấy tất cả những năng lực mạnh mẽ nhất của chúng ta, để thế giới biết và tự tìm đến với chúng ta?
Đúng là như vậy!