Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam VBS 2019, Ts Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã có một năm thành công trong việc chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua sóng gió của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn leo thang, nền kinh tế và thương mại toàn cầu giảm tốc…
Việt Nam đã trở thành mẫu hình thành công của sự ổn định về kinh tế vĩ mô, và sự bứt phá về tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việt Nam duy trì nhịp độ tăng trưởng trên dưới 7%/năm, cao nhất ASEAN, thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, và đã vượt lên 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 là một kỳ tích.
Đạt được kết quả này có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự điều hành trực tiếp sát sao của Phó thủ tướng Vũ Đức Đảm, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chủ tịch VCC cũng cho rằng, điều quan trọng hơn là tiềm năng và triển vọng tăng trưởng trong những năm tới. Dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín đều đưa ra những con số lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 90% cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước tin rằng tình hình kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong thời gian tới.
130 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại kinh doanh trong 09 tháng đầu năm nay và 70% các doanh nghiệp FDI cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
"Cải cách thể chế được tăng tốc, hội nhập được thúc đẩy, niềm tin thị trường được củng cố, tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa, hệ sinh thái cho khởi nghiệp đang được hoàn thiện... Tất cả sẽ là điểm tựa và những cú hích cho phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam', ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin tăng tới 54 bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 với sự mở rộng của số lượng thuê bao di động và mức độ phổ cập internet được đánh giá cao. Đây là chỉ số quan trọng nhất báo hiệu sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin viễn thông cũng như triển vọng của ngành sản xuất phần mềm và các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong tất cả các ngành và lĩnh vực kinh tế.
Lãnh đạo VCCI cũng hoan nghênh Chính phủ với những nỗ lực bước đầu trong cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số.
Ông Lộc khẳng định cộng đồng doanh nghiệp xin chung tay với chính phủ trong nỗ lực này. Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, được triển khai với sự góp sức và định hướng về nội dung và kỹ năng của doanh nghiệp, gắn xưởng với trường, theo đường ray của chuyển đổi số… Những xu hướng đó sẽ định hình nền giáo dục thực nghiệp của Việt Nam.
"Chúng tôi chào đón các công ty quốc tế sẽ đến với Việt Nam và hợp tác với Việt Nam trong chương trình chuyển đổi số và đầu tư vào Việt Nam các dự án kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số - để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, để kích hoạt một làn sóng đầu tư FDI có chất lượng cao hơn vào Việt Nam để sáng tạo ra những sản phẩm mới ở Việt Nam "Created in Vietnam" chứ không chỉ "Made in Việt Nam" hay "Make in Việt Nam", Ts Vũ Tiến Lộc nói.