November 23, 2022 | 10:23 GMT+7

Chú trọng chính sách tăng thu nhập, hỗ trợ giáo viên mầm non

Đỗ Như -

Ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan, các tổ chức quốc tế, tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bộ Giáo dục Đào tạo.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bộ Giáo dục Đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Việt Nam đang triển khai quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.Việc đổi mới này được thực hiện ở tất cả các bậc học, từ các khâu, các yếu tố, các quá trình. Có thể nói sự đổi mới nhằm đến tính tập thể rất cao, trong đó có những quan điểm xâu chuỗi từ bậc mầm non cho đến bậc đại học, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là phát triển toàn diện trẻ em, phát triển con người.

Bộ Giáo dục Đào tạo đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non, bởi đây là cấp học có tính chất quyết định tương lai của trẻ em, cả về phương diện thể chất, phương diện tinh thần và phương diện trí tuệ. Việt Nam từng có một chương trình dành cho giáo dục mầm non thống nhất trong cả nước cùng nhiều ưu tiên phát triển khoa học giáo dục. Bậc học này đã đạt khá nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với mục tiêu xa và lớn hơn, Bộ đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình cho giáo dục mầm non, để trong đa dạng lấy chương trình làm thống nhất cho các khâu để kiểm soát được chất lượng cũng như có những sự đầu tư.

Bộ truỏng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ truỏng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phía Ngân hàng Thế giới, ông Cristian Aedo - Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á - Thái Bình Dương cho rằng cam kết của Bộ Giáo dục Đào tạo đối với một chương trình cải cách và đầu tư vào phát triển trẻ mầm non (trẻ em, giáo viên, chương trình giảng dạy và môi trường học đường, cách tiếp cận đa ngành/toàn chính phủ) là bước quyết định và mang tính chuyển đổi để đảm bảo sự khởi đầu và cơ hội bình đẳng cho trẻ em và xã hội của Việt Nam, phát triển kinh tế trong những năm tới.

Nhấn mạnh Chỉ số Vốn con người (Human Capital Index - HCI) của Việt Nam tiếp tục thể hiện xuất sắc, ngang bằng với các nước có thu nhập cao, ông Cristian Aedo tin tưởng Việt Nam có thể vượt qua kỷ lục của chính mình bằng những cải cách mang tính chuyển đổi và đầu tư vào phát triển trẻ mầm non. 

ĐIỀU CỐT YẾU LÀ TRẺ ĐƯỢC HỌC THÔNG QUA CHƠI

Tiến sĩ Aija Rinkinen, chuyên gia giáo dục cao cấp tại Ngân hàng Thế giới thông tin, giáo dục mầm non ở Phần Lan dựa trên phương pháp tiếp cận tích hợp để chăm sóc, giáo dục và dạy dỗ trẻ, được gọi là mô hình “giáo dưỡng”, trong đó đặc biệt chú trọng phương pháp sư phạm. Trẻ được học thông qua chơi là điều cốt yếu. Tỷ lệ giáo viên - trẻ em theo yêu cầu là 1:7 với nhóm trẻ từ 3 tuổi trở lên và 1:4 đối với nhóm trẻ dưới 3 tuổi.

Theo bà Aija Rinkinen, để có thể cung cấp giáo dục mầm non chất lượng cao, năng lực chuyên môn vững chắc là yêu cầu tiên quyết. Do đó, việc đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên là điều quan trọng và cần thiết. Giáo viên không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy theo đúng lý thuyết, chương trình mà còn phải phát triển tâm lý ở trẻ, tăng cường giao tiếp, tương tác, phát triển năng lực bản thân trẻ cũng như kết nối với phụ huynh, gia đình và xã hội để mang đến hiệu quả toàn diện.

Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết định hướng sẽ chú trọng chính sách cho giáo viên mầm non, bao gồm tăng thu nhập, nâng cao năng lực nghề nghiệp, giảm giờ làm việc, hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn, hướng đến phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo vào năm 2030.

Về đội ngũ nhà giáo, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Tuấn Anh thông tin, so với định mức quy định, toàn quốc còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu 44.068 giáo viên. Tới đây, Bộ Giáo dục Đào tạo tiếp tục rà soát và triển khai sửa đổi nhiều thông tư và đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và nâng cao năng lực của các trường đại học sư phạm.

CẦN TRIỂN KHAI NHIỀU VIỆC SONG SONG XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH MỚI

Tại hội thảo, ông Christophe Lemiere, lãnh đạo Ban Phát triển con người tại Ngân hàng Thế giới, nhận định Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để xã hội hóa, cộng tác đối với tư nhân, đặc biệt các tư nhân hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu phát triển giáo dục mầm non.

Theo ông Christophe, muốn phát triển giáo dục mầm non toàn diện thì cần phát triển tiềm năng ở các địa phương. Chương trình giáo duc mầm noncần có cấu trúc cụ thể, rõ ràng hơn. Năng lực giáo viên, nội dung chương trình giáo dục cần phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Ông Christophe Lemiere cũng khẳng định rằng Ngân hàng Thế giới sẽ cùng các đối tác khác tích cực hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện giáo dục mầm non Việt Nam.

Với việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh rằng việc thiết kế chương trình phải lưu ý rất lớn đến tính phức hợp, liên ngành, tích hợp, không thuần tuý chương trình phục vụ hoạt động giáo dục, mà bao hàm cả chính sách về dinh dưỡng, phát triển thể chất, tinh thần, đi cùng các giải pháp cho các vấn đề xã hội và cuộc sống khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần chú ý tính khả thi của chương trình đặt trong điều kiện thực tiễn, đặc thù khu vực khó khăn trên cơ sở tính phổ biến, tính chung của đối tượng và 63 tỉnh, thành phố.

Trong các yếu tố quan trọng để đảm bảo chương trình thành công, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lực lượng giáo viên, theo đó, việc chuẩn bị lực lượng, tập huấn, đào tạo đảm bảo số lượng và chất lượng, cùng việc chuẩn bị tài liệu, yêu cầu phải bắt đầu ngay trong quá trình xây dựng chương trình.

Cùng với tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng là vấn đề đáng chú ý.

Theo thống kê, ở Việt Nam còn gần 20% trường học đang trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố. Trong đó, tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học chưa được kiên cố hoá chiếm nhiều nhất. Trong 5 năm tới, khi hoàn thiện mục tiêu kiên cố hoá trường học, phải giải quyết nhiều nhất câu chuyện kiên cố hoá đối với hệ thống các trường mầm non.

“Đây là câu chuyện trực tiếp, cụ thể. Có hay không có chương trình giáo dục mầm non mới thì việc kiên cố hoá này cũng là một việc cấp bách đối với Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn đề nghị lãnh đạo các địa phương, các sở rất chú ý công việc này. Ngoài việc xây trường lớp, những chuẩn bị trang thiết bị, học liệu, đồ chơi bên trong đó cũng rất quan trọng. Tôi rất tán thành ý kiến của một chuyên gia rằng, không chỉ sẵn sàng cho trẻ em đến trường mà điều kiện rất quan trọng là trường học cũng phải sẵn sàng để đón trẻ em”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate