September 21, 2022 | 16:14 GMT+7

Chưa bổ sung công nhân là đối tượng ưu tiên trong khám, chữa bệnh

Phúc Minh -

Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung công nhân tại các khu công nghiệp là đối tượng ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), song Ủy ban Xã hội cho biết, luật đã ưu tiên bố trí ngân sách cho việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, trong đó bao gồm cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho công nhân lao động….

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh - Quochoi.vn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh - Quochoi.vn.

Ngày 21/9, tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG MỘT CHƯƠNG VỀ TÀI CHÍNH

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 1 điều và bổ sung 14 điều.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 1 chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung 1 chương về Hội nghề nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa, bổ sung các nội dung này một cách phù hợp.

Về quy định thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh: Ban soạn thảo bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng. Đây là chính sách mới đề xuất nhưng chưa có tổng kết, đánh giá tác động. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và hoàn thiện Hồ sơ theo quy định.

Đối với chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ đối với một số đối tượng và chính sách phát hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở.

Về ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại điểm a, khoản 1 Điều 4 đã quy định về ưu tiên bố trí ngân sách cho việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, trong đó bao gồm cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho công nhân lao động. Ngoài ra, pháp luật hiện hành đã có quy định về việc tổ chức, phát triển công trình y tế tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị được giữ như dự thảo Luật.

Về ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi. Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu và sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật một cách phù hợp để thích ứng với tiến trình già hóa dân số ở Việt Nam.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật đã chỉnh lý tên và bổ sung hành vi cấm nhũng nhiễu, hành vi lợi dụng uy tín của cá nhân tại Điều 6.

Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với đối tượng thuộc thẩm quyền, và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành, nếu giao Bộ Công an thì cần quy định lộ trình.

CÒN NHIỀU Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ CÁC NỘI DUNG LỚN 

Đối với những vấn đề lớn vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí như thể hiện tại Điều 106 của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh. Ảnh - Quochoi.vn. 
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh. Ảnh - Quochoi.vn. 

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, còn ý kiến khác nhau về các nội dung, chẳng hạn như về các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, một số ý kiến cho rằng cần quy định nội hàm của 4 yếu tố cấu thành giá, ý kiến khác cho rằng 4 yếu tố cấu thành giá nêu tại dự thảo là chưa đủ và cần nghiên cứu bổ sung các yếu tố khác như lợi nhuận, các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật và giá trị vô hình của thương hiệu.

Về thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp, có ý kiến cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp, tuy nhiên ý kiến khác đề nghị quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở phương pháp tính giá do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Đồng thời, phải thực hiện niêm yết, công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý quy định cho phù hợp.

Về một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cân nhắc việc xem xét dự án Luật này theo quy trình 3 kỳ họp.       

Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tại hơn 50 điều khác của dự thảo Luật với 22 nhóm nội dung; rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate