Đó là nhận định được đưa ra tại hội nghị góp ý dự thảo “Nghị định quy định về Cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” (gọi tắt là Nghị định) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây. Đây là Nghị định được Tổng cục Hải quan soạn thảo, đã gửi lên Thủ tướng Chính phủ ngày 1/11/2021 để xin ý kiến các thành viên Chính phủ.
CỤC THÚ Y CÓ THỂ "MẤT VIỆC" Ở CỬA KHẨU
Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết trong dự thảo Nghị định, ở điều 1 không có nội dung liên quan đến kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu, tương tự, nhiều điều khoản khác cũng không đề cập đến kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật.
Tuy nhiên, điều 7, điều 25 và điều 26 của dự thảo Nghị định lại có các nội dung quy định kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu nhưng không phù hợp với Luật Thú y, chưa bảo đảm yêu cầu về khoa học, thực tiễn.
Dự thảo Nghị định chưa thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 về việc phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (Quyết định 38/QĐ-TTg).
“Hiểu như dự thảo Nghị định này thì cơ quan thú y sẽ không còn nhiệm vụ kiểm dịch tại các cửa khẩu nữa. Nếu giao cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành, thì sẽ không đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành như Luật Thú y”, ông Long nhận định.
"Mặt khác, nếu chuyển hết việc kiểm tra chuyên ngành sang cho Hải quan, sẽ lãng phí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người để thi hành Nghị định, lãng phí nguồn lực đã đầu tư (cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nhân lực…), cũng như khó khăn về phương án xử lý đối với hệ thống một cửa quốc gia thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại các bộ đang thực hiện".
Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y,
“Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành liên quan đến từng mặt hàng, cơ quan chuyên ngành, đòi hỏi cán bộ có chuyên môn sâu và quy trình kiểm tra phù hợp với từng loại sản phẩm động vật. Với một số mặt hàng, người lấy mẫu, kiểm tra phải được tập huấn, đào tạo chuyên ngành, có chuyên môn mới được cấp chứng chỉ để thực hiện”, ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, nếu tổ chức thực hiện theo các nội dung như dự thảo Nghị định, nguy cơ nhiều dịch bệnh nguy hiểm từ các nước xâm nhiễm vào Việt Nam. Vì ở các nước trên thế giới đang có rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm, truyền lây giữa động vật và người.
Các sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, chứa các chất tồn dư độc hại quá ngưỡng cho phép (như kháng sinh, chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, chất kích thích sinh trưởng…) không được phép sử dụng tại nước xuất khẩu rất có thể xuất khẩu vào Việt Nam và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Theo ông Long, hiện nay thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đã được tích hợp. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu chỉ cần nộp một bộ hồ sơ với một mẫu đơn tích hợp và nhận một kết quả kiểm tra.
Phó Cục trưởng Cục Thú y đề xuất tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn chi tiết của Luật Thú y. Đề nghị đưa nội dung “Hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định cho phù hợp với phạm vi tại Quyết định 38/QĐ-TTg.
TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG ĐIỀU LUẬT THÚ Y ĐÃ QUY ĐỊNH
Nhiều doanh nghiệp cũng lên tiếng chỉ ra những bất hợp lý của dự thảo Nghị định mới này. Ông Nguyễn Văn Bách, Tổng giám đốc Công ty Amavet nêu vấn đề, trong dự thảo Nghị định này gần như không đề cập đến việc kiểm soát dịch bệnh động thực vật, kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm. “Tôi thấy dự thảo miễn kiểm tra, kiểm dịch rất nhiều nên nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi trong tương lai”, ông Bách cảnh báo.
Theo ông Bách, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do vậy, cơ quan kiểm dịch phải tra cứu, kiểm tra, đối chiếu thông tin về tình hình dịch bệnh tại nước xuất khẩu, thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, việc cắt giảm thủ tục hành chính là đúng nhưng không có nghĩa là cắt bỏ kiểm dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo tích hợp kiểm tra an toàn thực phẩm với kiểm dịch.
“Chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì phải kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nếu để hàng hóa ồ ạt vào thị trường sẽ bóp chết sản xuất trong nước, kể cả thủy sản và chăn nuôi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, đồng thời nhận định tiềm năng dư địa ngành chăn nuôi, thủy sản nước ta còn rất lớn. Vì vậy, nếu không có lực lượng thú y là đơn vị hàng đầu bảo vệ ngành sản xuất này, thì không thể thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Thú y thống kê, tập hợp lại các ý kiến, đối soát lại với phiên bản cuối cùng của dự thảo Nghị định để thống nhất chung một ý kiến, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.
"Nếu không sớm có kiến nghị, khi Chính phủ ban hành Nghị định chính thức, muốn thay đổi sẽ phải có thời gian rất lâu; đồng thời, sẽ vướng mắc cho việc kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh, hàng hóa ở cửa khẩu vào trong nước" Thứ trưởng Tiến lưu ý.
Về việc triển khai Luật Thú y, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Luật Thú y cao hơn cả Nghị định, vì vậy những nội dung Luật Thú y đã quy định thì tiếp tục triển khai, không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, những văn bản, thông tư thực hiện Luật Thú y nếu vướng vào dự thảo Nghị định cần phải xem xét tháo gỡ ngay.
Nghị định ban hành phải có căn cứ pháp luật, dựa trên các luật hiện hành, không thể đưa ra quy định khác luật. Dự thảo nghị định phải làm rõ danh mục hàng hóa, những danh mục hàng hóa đã quy định trong Luật An toàn thực phẩm... Nếu vẽ ra một cơ chế khác thì sẽ gây ra nhiều phiền hà bởi không phải là hải quan đứng ra làm sẽ nhanh, vì họ không có hạ tầng, không có kỹ thuật, kỹ năng, không được đào tạo trong kiểm nghiệm, đánh giá rủi ro. Do đó, kiến nghị cần có phản hồi với Chính phủ để đảm bảo tính minh bạch và thực thi các luật chúng ta đang có.
Một số điểm dự thảo Nghị định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều loại hàng hóa hiện nay doanh nghiệp được phép đưa về kho doanh nghiệp phân tán ở các tỉnh khác nhau, nên việc cập nhật biên bản lấy mẫu trong vòng 2 giờ đồng hồ thì khó khả thi. Thực tế, hàng hóa được nhập khẩu về nhiều cảng khác nhau, có cảng ở xa tới hàng trăm km so với phòng thí nghiệm, việc tổ chức kiểm dịch, lấy mẫu kiểm dịch, lập biên bản, xét nghiệm mất rất nhiều thời gian. Với những lô hàng trong các cảng, cán bộ kiểm dịch cũng phải lấy mẫu cho nhiều lô hàng, của nhiều chủ hàng, do vậy mất nhiều thời gian.