May 17, 2021 | 17:44 GMT+7

Hải quan bàn kế sách tránh hụt thu do dịch Covid – 19

Ngày 17/5, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2021, dự báo những ảnh hưởng bất lợi đến xuất, nhập khẩu hàng hoá do dịch bùng phát tại các khu công nghiệp để tìm cách khắc phục...

Dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá...
Dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá...

Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, từ cuối tháng 4/2021 đến nay dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp và điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, tác động đến công tác thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan.

THEO DÕI NHỮNG MẶT HÀNG CÓ BIẾN ĐỘNG LỚN

Đặc biệt, tình hỉnh dịch bệnh phát sinh tại các khu công nghiệp làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất hàng hoá xuất khẩu. Do đó, những tháng tới của năm 2021 toàn ngành Hải quan phải tiếp tục nắm bắt, phân tích, đánh giá sát diễn biến thu ngân sách của từng tháng và cả năm để đảm bảo hoàn thành tốt chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cả năm 2021 và làm cơ sở xây dựng dự toán thu của năm 2022.

 
Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 204,91 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 103,4 tỷ USD, tăng 27,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 101,51 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong 4 tháng/2021 của Việt Nam vẫn xuất siêu 1,89 tỷ USD, thấp hơn con số xuất siêu 2,54 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Cẩn lưu ý bộ phận làm công tác thống kê hải quan phải chú ý bám sát diễn biễn tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá thực tế, cần có ước tính, dự báo sát thực tế, đặc biệt là một số mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm, có biến động lớn. Phải thực hiện thống kê và báo cáo cập nhật theo tuần để có hướng xử lý kịp thời tránh những khó khăn cho mục tiêu thu ngân sách của cả năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Cẩn lưu ý, tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, do đó, bên cạnh việc phòng chống dịch toàn ngành phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để tạo thuận lợi thương mại, khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, thời gian gần đây lãnh đạo Bộ Tài chính tổ chức nhiều cuộc họp về việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều đó cho thấy đây là văn bản pháp luật quan trọng và hết sức cấp bách phải hoàn thiện đưa vào thực hiện để triển khai mô hình cải cách mới.

Do đó, các đơn vị chức năng cần chỉ rõ bất cập, tồn tại hiện nay và những cải cách có tính đột phá trong tạo thuận lợi thương mại khi thực hiện theo mô hình mới.

Ngoài ra, cũng khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Hải quan liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Trong đó đặc biệt chú ý đến các quy định về xây dựng mô hình hải quan thông minh, hải quan số.

CÓ 222 THỦ TỤC TRÊN CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA

Liên quan đến việc xử lý hồ sơ thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 4/2021 các bộ, ngành đã tiếp nhận, xử lý 72.715 hồ sơ của 814 doanh nghiệp.

Đến nay đã có 222 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia với gần 3,76 triệu hồ sơ của gần 46.200 doanh nghiệp.

 
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 4/2021 đạt 17,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 4 tháng đạt 74,5 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 120 nghìn tỷ đồng, bằng 38,1% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 45,5 nghìn tỷ đồng, bằng 33,3% dự toán.

Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến hành xây dựng Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia.

Nghị định này sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước cập nhật, kết nối, chia sẻ thông tin với nhau thuận tiện, nhanh chóng hơn. Doanh nghiệp làm thủ tục xuất, nhập khẩu chỉ cẩn qua một đầu mối là đơn vị Hải quan, không phải chờ đợi thực hiện nhiều thủ tục ở nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành khác nhau.

Báo cáo về việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan cho biết đến nay Việt Nam đang trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN. Riêng trong tháng 4/2021 Việt Nam đã nhận 269.774 thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D từ các nước ASEAN và Việt Nam đã gửi sang các nước là 22.744 thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D.

Như vậy, đến nay Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 327.756 thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D và Việt Nam gửi sang các nước là 689.301 thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate