VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 20/7/2021.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, chỉ số VnIndex giảm 55,80 điểm – tương đương 4,29%, xuống 1.243,51 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 15,70 điểm – tương đương 5,10%, đóng cửa ở mức 292,06 điểm.
VN-Index có thể vận động trong vùng 1200 -1280 điểm trong tuần này
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Sau thông tin giãn cách xã hội tại 16 tỉnh miền Nam và Hà Nội, thị trường điều chỉnh mạnh trong cả phiên giao dịch hôm nay.
Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy yếu khi chỉ có đúng 1/19 nhóm ngành vận động khả quan. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX trong khi mua ròng tại sàn HNX. Thanh khoản thị trường tăng trở lại và độ rộng thị trường tiêu cực phản ánh tâm xu hướng bán mạnh của nhà đầu tư.
Trước các thông tin tiêu cực. Với xu hướng như trên, VN-Index có thể vận động trong vùng 1200 -1280 điểm trong tuần này".
Dư địa giảm của VN-Index là vẫn còn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"VN-Index giảm mạnh (-4,29%) trong phiên đầu tuần với thanh khoản vượt trên mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là khá mạnh.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang đi trong sóng điều chỉnh a với target theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.210 điểm nên dư địa giảm là vẫn còn. Tuy nhiên, thường thì sau một phiên giảm mạnh với thanh khoản cao thì thị trường sẽ dần có diễn biến ổn định hơn khi bên mua và bên bán tìm được vùng cân bằng trong ngắn hạn.
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 20/7, thị trường có thể sẽ biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.210-1.260 điểm (fibonacci retracement 31,8% - 50% sóng tăng 5). Nhà đầu tư đã nâng tỷ trọng cổ phiếu lên mức trung bình trong phiên hôm nay quanh ngưỡng 1.260 điểm nên tiếp tục quan sát thị trường trong các phiên tới và có thể nâng thêm tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-Index điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 1.210 điểm".
Thị trường trong ngắn hạn vẫn chưa có đấu hiệu hồi phục
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
"Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Các ngưỡng cản hỗ trợ trung hạn của thị trường cũng gần như tiệm cận, điều quan trọng đối với thị trường chứng khoán là đánh giá dòng tiền lớn bắt đầu tham gia vào thị trường trong khoảng thời gian này để xác nhận điểm đảo chiều mạnh hay suy yếu.
Do vậy, các nhà đầu tư cần chú ý kỹ hơn tại các ngưỡng cản quan trọng này, dòng tiền “tham lam” bắt đầu gia nhập để xác nhận vùng hỗ trợ tích cực, đồng thời cùng giải ngân theo tỉ lệ an toàn tài khoản của mình".
Thị trường sẽ tiếp tục đà giảm, nhà đầu tư ngắn hạn nên dừng bán
(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)
“Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có khả năng sẽ thử thách mức hỗ trợ 1,210 điểm. Đồng thời, các chỉ số đã giảm sâu vào vùng quá bán và nếu các chỉ số hồi phục trở lại hoặc thu hẹp đà giảm thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần và xác suất hình thành vùng đáy được đánh giá cao. Hiện nay, dịch bệnh đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường và gây ra các biến động mạnh khó lường, nhưng mức định giá hấp dẫn và các dấu hiệu xác lập vùng đáy ngắn hạn đang hình thành cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán ra ở mức giá hiện tại và quan sát ở vùng hỗ trợ 1,210 điểm của chỉ số VN-Index trong phiên kế tiếp. Đồng thời, cơ hội ngắn hạn vẫn hình thành cho nên nếu các nhà đầu tư ngắn hạn có khẩu vị rủi ro cao thì vẫn có thể mua mới với tỷ trọng thấp nhằm thăm dò cơ hội ngắn hạn”
Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ thử thách vùng kháng cự rất mạnh quanh 1200 – 1230 điểm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)
"VN-Index giảm 55,8 điểm tương ứng mức giảm 4,29% so với phiên giao dịch ngày hôm qua. Thị trường hôm nay giao dịch nghiêng hoàn toàn về số mã đỏ. Tổng 3 sàn có 180 mã xanh so với 543 mã đỏ. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh thị trường phiên hôm nay tăng mạnh trở lại đạt mức 2046 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 675,62 triệu cổ phiếu, phục hồi mạnh trở lại và vượt mức so với bình quân của tuần trước đó.
VN-Index đóng cửa với cây nến Bearish Enguffling đi kèm gap down cho thấy bán mạnh mẽ đã chiếm ưu thế ngay từ sớm. Nhìn chung, VN-Index đã có phiên giảm sốc đi kèm thanh khoản lớn cho thấy một bộ phận nhà đầu tư cầm nắm cổ phiếu cuối cùng cũng đã bán ra. VN-Index tiếp tục thủng hỗ trợ mạnh MA(20) tuần, xác nhận rằng đà tăng trong trung hạn tạm thời mất đi. Đà giảm điểm hôm nay đến từ nhóm ngành dầu khí, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán.
Nhìn chung, VN-Index sắp tiến về vùng hỗ trợ rất mạnh là vùng hội tụ giữa fibo 61,8% tính từ đỉnh 1420 và vùng đỉnh giao dịch trong suốt 20 năm qua là vùng 1200 – 1230 điểm. Kỳ vọng tới hỗ trợ này sẽ có nhịp hồi phục trở lại và lấp gap down quanh mốc 1280 điểm hôm nay. Nếu mất vùng hỗ trợ trên, VN-Index chính thức bước vào xu hướng dowtrend và nếu mất nốt vùng hỗ trợ quanh MA(20) tại 1150 điểm thì VN-Index sẽ bước vào dowtrend dài hạn
Chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường tiếp tục xu hướng tăng giá. Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ thử thách vùng kháng cự rất mạnh quanh 1200 – 1230 điểm và hy vọng có nhịp hồi phục trở lại".
Chưa vội bắt đáy vì quán tính giảm vẫn còn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB - MBS)
“Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu "đỏ lửa" và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Áp lực bán diễn ra ở khắp các nhóm ngành và việc khối ngoại quay trở lại bán ròng đã khiến thị trường giảm mạnh.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 55,8 điểm xuống 1.243,51 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 63,9 điểm còn 1.374,15 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 60 mã tăng/346 mã giảm, ở rổ VN30 có 1 mã tăng, 29 mã giảm và 0 mã giữ tham chiếu.
Thanh khoản thị trường đã tăng so với phiên cuối tuần qua với giá tṛi khớp lệnh đạt hơn 20.047 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn biến không mấy tích cực khi bán ròng trở lại với giá trị khớp lệnh gần 105 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Đây là phiên giảm thứ 7 trong 11 phiền gần nhất và kể từ đầu tháng 7 cho tới nay thị trường đã có 3 phiên giảm gần 4%, nghĩa là phần lớn các cổ phiếu đều giảm gần giá sàn. Điều đó cho thấy quán tính giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi áp lực từ thị trường thế giới biến động.
Về kỹ thuật, các ngưỡng hỗ trợ gần như không đủ tin cậy khi áp lực bán với các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa có dấu hiệu lệnh cân đối ứng tương xứng, quá trình tìm vùng hỗ trợ mới có thể còn tiếp diễn trong các phiên ở tuần này. Do vậy nhà đầu tư chưa vội bắt đáy, chiến lược đứng ngoài quan sát cũng có thể được áp dụng”.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.