Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận) đã xác nhận thông tin này và cho biết, gói thầu xây cầu Nhơn Trạch sẽ thi công hết 35 tháng trong khi gói cầu thi công phần đường sẽ xây trong 30 tháng.
Để bảo đảm tiến độ, Ban Mỹ Thuận cho biết đã kiến nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đặc biệt là phần mặt bằng giáp sông Đồng Nai để thi công cầu Nhơn Trạch.
Toàn tuyến của dự án đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có tổng chiều dài 8,2 km; trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 6,3 km và đoạn đi qua TP.HCM dài 1,9 km. Hiện nay, toàn dự án đã bàn giao mặt bằng được 2,8 km. Cụ thể, TP.HCM đã bàn giao được 1,7 km và đạt 91% tổng diện tích mặt bằng; tỉnh Đồng Nai bàn giao được khoảng 1,1 km trên tổng chiều dài hơn 6,3 km.
Dự án thành phần 1A qua Đồng Nai đi qua địa bàn hai xã Long Tân, Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch). Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho hay, để thực hiện dự án, Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất hơn 49 ha với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 468 hộ, trong đó có 222 hộ phải bố trí tái định cư.
Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Võ Tấn Đức yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt giá bồi thường theo quy định. Sau khi Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, huyện Nhơn Trạch khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trong tháng 10/2022 sắp tới.
Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Điểm đầu dự án giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (Thủ Đức, TP.HCM).
Đây là đoạn đầu của tuyến Vành đai 3 TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác Phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Gói thầu CW1 xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn có tổng chiều dài 2.040 m, đường dẫn hai bên cầu 560 m. Tổng mức đầu tư hơn 1.813 tỷ đồng. Công trình được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, rộng 20,5 - 26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Về cấu trúc kỹ thuật, phần nhịp chính là dầm bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng, phần nhịp dẫn dầm Super-T bê tông cốt thép dự ứng lực.
Trước đó, ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, với 475/478 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38%, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Ngày 13/7/2022, Ban Mỹ Thuận và Công ty Kumho Engineering & Construction (Hàn Quốc) đã ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu CW1 xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn (từ Km10+000 đến Km12+600).
Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 sẽ rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đi Bình Dương và TP.HCM. Tuyến đường này còn kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; trong đó đặc biệt phân luồng từ xa, làm giảm ách tắc cho các tuyến đi vào nội đô.
Dự án đường Vành đai 3 được phê duyệt theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3.
Theo quyết định này, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. Dự án có chiều dài 89 km đi qua địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Dự án thành phần 1A thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75 km; trong đó 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP.HCM.