Ngày 13/7, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và Công ty Kumho Engineering & Construction (Hàn Quốc) ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu CW1 - xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn (từ Km10+000 đến Km12+600) thuộc dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM.
Giá trị hợp đồng xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn hơn 1.813 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thực hiện hợp đồng là 35 tháng.
Như vậy, Công ty Kumho Engineering & Construction chính thức trở thành nhà thầu thi công gói cầu khởi động dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, rộng 19,75m, dài 2.040m.
Phần nhịp chính là cầu dầm hộp bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng và nhịp dẫn dầm Super-T bê-tông cốt thép dự ứng lực. Đường dẫn hai bên đầu cầu dài 560m.
Gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn này thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài hơn 8 km, gồm hơn 6 km qua địa bàn Đồng Nai và gần 2 km đi qua địa bàn TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 6.950 tỷ đồng.
Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được chuẩn bị đầu tư từ những năm 2011 - 2012. Phía Việt Nam và Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ từ năm 2015. Đến tháng 2/2016, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán, ký kết hiệp định vay thực hiện dự án bị gián đoạn. Đến ngày 19/5/2020, hiệp định vay mới được ký kết làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Đến nay, dự án hoàn thành việc tuyển chọn được nhà thầu thi công cho gói thầu CW1.
Với việc ký kết hợp đồng xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn hai đầu cầu, đến thời điểm này dự án đủ điều kiện để thi công.
Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ khởi công thi công cầu Nhơn Trạch và đường dẫn hai đầu cầu ngay khi UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng cho dự án.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ góp phần rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến Bình Dương và TP.HCM, nâng cao năng lực lưu thông. Đồng thời, tăng cường kết nối khu vực TP.HCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ và tạo thuận lợi phân luồng từ xa, giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô TP.HCM.