Trên chai sốt cà chua, trên bao bì gói ngũ cốc hay là chai nước hoa, có thể bạn đã thấy con dấu hoàng gia cùng dòng chữ “Được chỉ định bởi Nữ hoàng Bệ hạ” (By appointment to Her Majesty the Queen) tại các siêu thị Anh. Đây là những sản phẩm đã được cấp Chứng chỉ Hoàng gia (Royal Warrant), có nghĩa là được sản xuất bởi một công ty thường xuyên cung cấp đồ cho các gia đình hoàng gia.
Từ thế kỷ 15, Vua hoặc Nữ hoàng cùng với người phối ngẫu (hoàng thân hoặc vương hậu) và người thừa kế ngai vàng (thái tử) có thể ban hành Chứng chỉ Hoàng gia của riêng mình. Biểu tượng Royal Warrant mang lại rất nhiều uy tín cho hoạt động của một đại diện nào đó sở hữu. Tuy nhiên một số ngành nghề hoặc một vài doanh nghiệp cố định không đủ điều kiện để nhận được chứng chỉ, ví dụ như nhân viên ngân hàng, kế toán, cơ quan chính phủ, cơ quan truyền thông hoặc các địa điểm giải trí như nhà hát, nhà hàng, quán rượu.
Hiện nước Anh có khoảng 900 nhãn hàng từ 800 công ty được nhận được con dấu bảo đảm này. Hoàng gia Anh chọn lọc rất kỹ các thương hiệu họ mua sắm và tiêu dùng. Hãng siêu xe Aston Martin, hãng thời trang Burberry, công ty rượu Bacardi – Martini… đều nằm trong danh sách Royal Warrant của hoàng gia Vương quốc Anh.
Bên cạnh đó là khá nhiều nhãn hiệu có giá bình dân, và không phải là hàng hoá nội địa, bất kỳ người bình thường nào cũng có thể sử dụng. Chẳng hạn như đàn piano Steinway, ngũ cốc Jordans, cá và hải sản Brixham, rượu gin của hãng Gordon, trang sức Swarovski, đến các dịch vụ sửa nhà, làm vườn...
Sau sự ra đi của Nữ hoàng Anh, giấy chứng nhận Royal Warrant sẽ vô hiệu, trừ khi các công ty được vị Vua kế vị hoặc thái tử hiện tại ban cho một Chứng chỉ Hoàng gia mới. Điều này có thể không xảy ra nhanh chóng. Khi Hoàng thân Philip qua đời, những người có Chứng chỉ Hoàng gia từ ông được ân hạn hai năm. Một ngoại lệ là, các chứng nhận của Thái hậu ban hành có hiệu lực 5 năm sau khi bà từ trần.
Tuy nhiên, các Royal Warrant được Thái tử Charles ban hành khi là thân vương Xứ Wales sẽ tiếp tục khi ông lên làm vua, vì chứng nhận đi cùng với gia đình chứ không phải tước vị. Hiện các thương hiệu đang kỳ vọng rằng Vua Charles III sẽ cho con trai và là người được chỉ định kế vị mình, Thái tử William, quyền cấp chứng nhận Royal Warrant riêng.
Các quốc gia quân chủ hiện còn phong tặng Royal Warrant là Anh, Bỉ, Đan Mạch, Monaco, Hà Lan, Thụy Điển, Thái Lan… đều cho phép doanh nghiệp được dùng Chứng chỉ Hoàng gia để quảng bá cho sản phẩm của mình nhằm gia tăng uy tín cho thương hiệu. Và các doanh nghiệp thường không bỏ lỡ cơ hội để đưa Chứng chỉ Hoàng gia vào các ấn phẩm quảng cáo, bộ nhận diện thương hiệu của mình.
Dưới đây là một số sản phẩm mà thành viên hoàng gia Anh ưa thích, đã được trao con dấu chính thức, được coi như “lệnh bài” bảo đảm chất lượng của hoàng gia.
TẤT CORGI
Corgi Hosiery đã bắt đầu sản xuất tất chân từ năm 1892 và được chứng nhận bởi Hoàng tử Charles, Hoàng gia Anh từ năm 1989. Nữ hoàng Elizabeth II và con trai cả - hiện tại là Vua Charles III đều yêu thích thương hiệu tất này. Giá cho mỗi đôi tất làm từ chất liệu cashmere là 22 USD - 209 USD.
GIÀY JOHN LOBB
John Lobb là “ông hoàng” trong lĩnh vực đóng giày, đồng thời cũng là người chuyên đóng giày cho các vị vua chúa. Vào năm 1866, cửa hiệu John Lobb được thành lập tại số St. James, London. Ông trở thành người thợ đóng giày nổi tiếng nhất với nhóm khách hàng đình đám nhất, làm ra những đôi giày thủ công bậc nhất, có giá từ 3.500 bảng Anh với loại cơ bản, khoảng 6.000 bảng với giày cưỡi ngựa. Nếu sử dụng da cá sấu, con số sẽ tăng lên 10.000 bảng.
Ngay sau khi được trao tặng chứng nhận Hoàng gia “Royal Warrant” vào năm 1863, ông bắt đầu làm việc cho Hoàng gia Anh. Khách hàng nổi tiếng nhất của ông thời đó là Thái tử Edward (về sau là Vua Edward VII). Ngày nay, Hoàng tử xứ Wales, Công tước xứ Edinburgh vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ giữa Hoàng gia Anh với thương hiệu giày da này.
Ô FULTON
Nữ hoàng Elizabeth II ưa chuộng những chiếc ô của thương hiệu Fulton có lịch sử từ năm 1956. Bà thường ra ngoài với những chiếc ô trong suốt của nhãn hàng này. Trung bình, một chiếc ô được trang trí đặc biệt của hãng có giá khoảng 27 bảng Anh. Theo công ty Fulton, những chiếc ô của nữ hoàng là hàng đặt làm riêng, được thiết kế phù hợp với các trang phục và yêu cầu riêng của bà.
TRÀ FORTNUM & MASON
Thương hiệu Fortnum & Mason ra đời từ năm 1707 và đã trải qua 12 đời vua và nữ hoàng Anh. Đây cũng chính là cửa hàng đã phát minh ra món trứng Scotch (trứng luộc bọc xúc xích và bánh mỳ) được chứng nhận bởi cả nữ hoàng Elizabeth II và Vua Charles III. Ngày nay, cửa hàng bán 181 loại trà khác nhau. Có nhiều lựa chọn với giá cả phải chăng như "Regal Breakfast Gift Box" bao gồm trà vị dâu tây và một loại mứt đặc biệt có lịch sử từ năm 1920 với giá chỉ 27 USD. Hộp trà Fortnum & Mason's Royal Blend Tea cũng là một lựa chọn tuyệt vời được tạo ra vào năm 1902 cho vua Edward VII.
HIỆU SÁCH HATCHARDS
Hatchards là hiệu sách lâu đời nhất London, mở cửa lần đầu năm 1797. Nữ hoàng Anh Charlotte, người kết hôn với vua George III vào năm 1761 là một trong những khách hàng đầu tiên của cửa hàng. Nếu không thể đến cửa hàng để mua, thuê sách trực thiếp, chỉ cần cung cấp tiêu đề sách và đăng ký dịch vụ, sách sẽ được chuyển tới tận cửa với phí khoảng 150 - 204 bảng Anh.
CHOCOLATE PRESTAT
Từ năm 1902, Prestat đã bán những sản phẩm thủ công như bánh gừng, chocolate... Sự nổi tiếng của cửa hàng cũng chính là nguồn cảm hứng cho cuốn sách, bộ phim "Charlie và nhà máy chocolate". Prestat được trao tặng con dấu của hoàng gia từ năm 1975. Giá cho mỗi sản phẩm tại cửa hàng chỉ từ dưới 20 USD.
PHÔ MAI PAXTON & WHITFIELD
Đây là một tiệm phô mai mở cửa từ năm 1797. Cửa hàng nhận được con dấu hoàng gia từ năm 1850. Bốn loại phô mai nổi bật của cửa hàng là Cheshire Appleby, Stilton, Lancashire Kirkham và Westcombe Cheddar với giá từ 28 bảng Anh (khoảng 38 USD).