September 18, 2008 | 09:08 GMT+7

Chứng khoán giảm cũng là… bình thường!

Minh Đức

Đánh giá của một số chuyên gia xung quanh tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến chứng khoán Việt Nam

Vẻ ưu tư của nhân viên môi giới tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York hôm qua (17/9) - Ảnh: Reuters.
Vẻ ưu tư của nhân viên môi giới tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York hôm qua (17/9) - Ảnh: Reuters.
Liên tiếp hai phiên sụt giảm mạnh, VN-Index nhanh chóng phá mốc 450 điểm, lượng bán ra ồ ạt, lực cầu dè chừng.

Đây là một diễn biến trái ngược với nhận định chung là khó giảm sâu của giới đầu tư trước đó, thậm chí “vô hiệu hóa” thông tin hỗ trợ từ quyết định giảm giá dầu…

Nhưng, những diễn biến trên lại được xem là một phản ứng bình thường của thị trường, theo ý kiến của một số chuyên gia khi trao đổi với VnEconomy.

“Việt Nam không nằm trong vùng lửa”

Mở đầu tuần này, thị trường chứng khoán toàn cầu bước vào một đợt sóng chao đảo; kỷ lục sụt giảm trong nhiều năm được ghi nhận tại những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản… Nguyên nhân được nhìn nhận từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Phố Wall (Mỹ) và sự ảnh hưởng mang tính toàn cầu của nó.

Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới của Mỹ tuyên bố phá sản. Merrill Lynch, một "đồng hương" lớn của Lehman Brothers, bị thôn tính. Hãng bảo hiểm hàng đầu của Mỹ AIG rơi vào khốn đốn. Theo một số bình luận của giới đầu tư, bộ ba này đã cùng tạo nên một cú “đột quỵ” của thị trường tài chính Mỹ, gây “sốc” đối với thị trường chứng khoán toàn cầu.

Về ảnh hưởng này, cụ thể là từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, cho rằng “Việt Nam không nằm trong vùng lửa, nên không bị ảnh hưởng nhiều, mà chỉ có tác động nhất định về tâm lý”.

“Còn quá sớm để nói trước, nhưng đó là một cuộc khủng hoảng thực sự và dần dần chúng ta phải biết sống chung với ảnh hưởng của nó”, ông Dominic nhận xét.

Về phản ứng của thị trường những phiên vừa qua, chuyên gia này cho rằng đó cũng là một diễn biến bình thường trước một cuộc khủng hoảng tài chính lớn và có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng theo ông, ngoài yếu tố tâm lý, cần phải xem xét lượng vốn nóng trong các định chế nước ngoài liên quan tại thị trường Việt Nam như thế nào; đi cùng với đó là có khả năng rút vốn hay không. “Theo tôi thì dòng vốn nóng đó của họ tại Việt Nam chưa nhiều; trường hợp họ rút ra thì cũng ít thôi”, ông Dominic nhận định.

Bên cạnh đó, một yếu tố mà ông lưu ý là cần chú ý ở lượng vốn giải ngân của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới. Và trong trung và dài hạn, có thể xem xét đến sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đó đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung; cụ thể là sự tác động đến nhu cầu tại những thị trường lớn, đầu mối xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản…

“Tác động sẽ dãn ra”

Trao đổi với VnEconomy dưới góc nhìn cá nhân, ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cũng cho rằng diễn biến của thị trường trong nước vừa qua là một phản ứng bình thường.

Ông Sơn cho rằng tình thế của những tổ chức tài chính nói trên dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ đã gây ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam, và cụ thể là trong hai phiên vừa qua.

“Hiện Lehman Brothers và Merrill Lynch hiện đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều, nhưng nó có tác động nhất định. Phản ứng của thị trường là bình thường, mang tính dây chuyền tất yếu. Và khi câu chuyện của những tổ chức đó ngã ngũ, tác động có thể dãn ra; thị trường có thể sẽ trở lại. Thực tế thị trường Mỹ cũng đã tăng điểm trở lại”, ông Sơn nói.

Mặt khác, xét đến những yếu tố nội tại trong nước, ông Sơn cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô đang có những chuyển biến; lạm phát đang dần được kiềm chế, tỷ giá đã ổn định, giá xăng dầu đã có những điều chỉnh giảm, hệ thống ngân hàng cũng đã ổn định trong hoạt động tín dụng và thanh khoản… Ngoài ra, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết quý 3 này cũng sẽ là một cơ sở để nhà đầu tư cân nhắc.

Còn theo nhận định từ một đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), với phiên giao dịch vừa qua, “có lẽ cảm giác lo lắng có phần hoang mang của các nhà đầu tư trước thông tin khủng hoảng tài chính tồi tệ ở bờ Đại Tây Dương đã thúc đẩy họ bán ra mạnh”.

“Sẵn sàng bán ra” cũng là từ một công ty chứng khoán khác dùng để nói về tình thế mở đầu phiên giao dịch ngày 17/9. Nhưng, theo VCBS, “có những lý do để tin rằng chúng ta không rơi vào khủng hoảng như các nhà đầu tư đang lo ngại. Thị trường chứng khoán Việt Nam tuy     có sự tham gia của các tổ chức đầu tư nước ngoài nhưng quy mô đầu tư còn khiêm tốn so với các thị trường khác. Các tên tuổi lớn như Lehman Brothers, Merrill Lynch hầu như chưa đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam hoặc chỉ ở quy mô nhỏ mang tính thăm dò. Do vậy, những cơn “đột quỵ” vừa thấy sẽ không có nhiều ảnh hưởng đối với thị trường trong nước”.

Và cùng quan điểm với ông Nguyễn Sơn, một chuyên gia chứng khoán tại Tp.HCM cho rằng khi những sự cố như Lehman Brothers, Merrill Lynch, AIG ngã ngũ, được thu xếp dần thì tác động đối với chứng khoán Việt Nam cũng sẽ “nhạt” bớt.

“Thậm chí, trong ảnh hưởng của khủng hoảng, chọn hướng đầu tư cũng là một chiến thuật mà một số trường phái đầu tư trên thế giới đề cao”, chuyên gia này nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate