Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (9/6), do nhà đầu tư lo lắng về tình trạng của nền kinh tế Mỹ trước khi đón nhận báo cáo lạm phát. Giá dầu giảm nhẹ sau khi một số khu vực của Thượng Hải áp các biện pháp hạn chế mới để chống Covid.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 638,11 điểm, tương đương giảm 1,94%, còn 32.272,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,38%, còn 4.017,82 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,75%, còn 11.754,23 điểm.
Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn giảm mạnh phiên này, như Meta Platforms sụt 6,4%; Amazon giảm hơn 4%; Apple trượt 3,6%.
Cổ phiếu sòng bạc là một trong những nhóm giảm mạnh nhất trong S&P 500, với Las Vegas Sands sụt 5,6%; Ceasars Entertainment giảm 3,8%. Các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc cũng đảo ngược đà tăng gần đây, như Pinduoduo “bốc hơi” 9,6%.
Trong số các thành viên của Dow Jones, mức giảm mạnh nhất 4% thuộc về Boeing.
Phiên giảm này diễn ra trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 vào ngày thứ Sáu. Nhà đầu tư chờ xem lạm phát đã đỉnh hay chưa, từ đó xác định xem liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cần hành động quyết liệt hơn để kiểm soát sự leo thang của giá cả.
“Việc mọi người đều nói về bản báo cáo này trong mấy ngày trở lại đây cho thấy vấn đề lạm phát đã trở thành một mối quan tâm lớn như thế nào của thị trường trong vòng 6 tháng qua, kể từ khi Chủ tịch Fed Jerome Powell bắt đầu đưa ra một cách tiếp cận cứng rắn hơn với lạm phát”, một báo cáo của Bespoke Investment Group được hãng tin CNBC trích dẫn.
Thị trường duy trì xu thế giảm nhẹ từ đầu phiên, và lực bán gia tăng trong giờ giao dịch cuối cùng. Chỉ số CBOE Volatility Index đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall tăng 2 điểm, lần đầu tiên đóng cửa trên mức 26 điểm trong tháng này.
Trong những tuần gần đây, nhà đầu tư cố gắng đánh giá tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh Fed bắt đầu nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát nhưng cố gắng không gây ra suy thoái. Giá năng lượng leo thang và tình trạng gián đoạn kéo dài trong chuỗi cung ứng đã khiến lạm phát ở Mỹ cao dai dẳng trong những tháng gần đây, trong khi một số dữ liệu đã cho thấy nền kinh tế ít nhiều giảm tốc.
“Có rất nhiều thông tin nhiễu. Không may là chúng ta sẽ khó sớm có được một cái nhìn chính xác về nền kinh tế, cả kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu, vì vẫn còn rất nhiều thứ khó giải mã”, chiến lược gia Michael Skordles của Truist phát biểu.
S&P 500 hiện đã giảm hơn 16% so với mức đỉnh kỷ lục, nhưng chủ yếu giằng co (sideway) trong những tuần gần đây sau khi thoát đáy vào cuối tháng 5. Tuần này, chỉ số đã giảm hơn 2%.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 9/6 tái khẳng định kế hoạch bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 7 và có thể tiếp tục nâng trong tháng 9. ECB cũng nâng dự báo lạm phát năm 2022 lên 6,8%, từ mức 5,1% trước đó, và hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,33 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 123,25 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,48 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 121,63 USD/thùng.
Dù giảm phiên này, giá dầu vẫn đang ở gần vùng đỉnh của 3 tháng do mối lo nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu.
Giá dầu đi xuống sau khi một số quận của Thượng Hải lại phong toả, nhưng vẫn được hỗ trợ bởi số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc mạnh hơn dự báo. Trong tháng 5, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái, khi các hạn chế chống Covid được nới cho phép một số nhà máy mở cửa trở lại. Đây là mức tăng xuất khẩu mạnh nhất của nước này kể từ tháng 1.
Nhu cầu tiêu thụ xăng tăng cao ở Mỹ trong mùa hè sẽ tiếp tục là một nhân tố hỗ trợ quan trọng cho giá dầu. Báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho xăng của nước này bất ngờ giảm, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu đi lại của người dân vẫn lớn bất chấp giá bán lẻ xăng cao kỷ lục.
“Khó có chuyện giá dầu giảm nhiều trong mấy tháng tới. Thị trường sẽ chỉ thắt chặt thêm khi chúng ta tiến sâu hơn vào mùa lái xe”, một báo cáo của ING nhận định.