Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/9), chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp trước đó. Giá dầu thô cũng tăng, lên mức cao nhất 1 tuần do mối lo về nguồn cung dầu thắt chặt ở Mỹ.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,8%, đạt 34. 869,63 điểm. S&P 500 tăng 0,2%, đạt 4.468,73 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq “ngược dòng” với mức giảm 0,1%, còn 15.105,58 điểm.
Một số thông tin tích cực về tình hình Covid-19 ở Mỹ đã hỗ trợ cho giá cổ phiếu ở Phố Wall trong phiên này.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhiễm mới Covid-19 bình quân mỗi ngày trong 7 ngày tính đến ngày thứ Sáu tuần trước ở nước này là khoảng 136.000 ca, giảm từ mức bình quân 157.000 ca/ngày hồi cuối tháng 8. Ngoài ra, nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng nhà chức trách Mỹ có thể phê chuẩn vaccine Covid Pfizer để tiêm cho trẻ em từ cuối tháng tới.
“Chúng tôi duy trì quan điểm phân bổ vốn dựa trên sự ham thích rủi ro, trên cơ sở kinh tế toàn cầu tiếp tục phục từ đại dịch và lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục mang đến những ngạc nhiên tích cực. Sự mở cửa trở lại của kinh tế toàn cầu bị chậm vì biến chủng Delta, nhưng làn sóng Delta có vẻ đang xuống ở Mỹ và trên toàn cầu”, chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase nhận định với CNBC.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm tăng phiên này, dẫn đầu là cổ phiếu năng lượng. Những cái tên liên quan đến sự mở cửa trở lại của nền kinh tế như cổ phiếu hàng không và tàu du lịch cũng tăng.
Nỗi lo lạm phát là một nguyên nhân quan trọng khiến chứng khoán Mỹ tụt điểm gần đây, vì lạm phát cao có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm cắt giảm chương trình mua tài sản.
Số liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 8 tăng 0,7% so với tháng 7 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được lưu hồ sơ vào tháng 11/2010.
Một số liệu quan trọng khác về lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố vào ngày 14/9. Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 21-22/9.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên đầu tuần với mức tăng 0,8%, đạt 73,51 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,1%, đạt 70,45 USD/thùng.
Hoạt động sản xuất dầu của Mỹ trên Vịnh Mexico vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn sau cơn bão Ida hồi cuối tháng 8. Trong khi đó, một cơn bão lớn khác có tên Nicholas lại đang hình thành, cơ quan dự báo thời tiết của Mỹ cho hay.
Trong 3 tuần trở lại đây, giá dầu Brent duy trì trong vùng 70-74 USD/thùng. Giới phân tích dự báo giá dầu sẽ tiếp tục giằng co trong vùng hẹp trong những tháng tới.
“Giá dầu có thể không có nhiều dư địa để tăng trong ngắn hạn, nhưng cũng khó giảm sâu”, chuyên gia Stephen Brennock của PVM Oil nhận định.
Tuần trước, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì ở vùng giá hiện tại trong thời gian còn lại của năm 2021, bình quân ở mức 71 USD/thùng trong quý 4.
“Thị trường vẫn đang chờ đợi một sự rõ ràng hơn về ảnh hưởng của virus đối với nền kinh tế. Cho tới khi mọi chuyện rõ ràng, có vẻ như hầu hết mọi tài sản, bao gồm dầu thô, sẽ tiếp tục đi ngang”, chuyên gia kinh tế Howie Lee thuộc ngân hàng OCBC ở Singapore nói với Reuters.
Ngày 13/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu quý 4/2021, trên cơ sở ảnh hưởng của biến chủng Delta và cho rằng một phần của sự phục hồi nhu cầu dầu sẽ bị hoãn lại sang năm 2022. Báo cáo hàng tháng của OPEC nói rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể bình quân ở mức 99,7 triệu thùng/ngày trong quý 4, giảm 110.000 thùng/ngày so với dự báo mà tổ chức này đưa ra vào tháng trước.