September 30, 2022 | 07:08 GMT+7

Chứng khoán Mỹ chưa dừng đà bán tháo, giá dầu “trầy trật” quanh mốc 90 USD/thùng

Bình Minh -

Xu hướng bán tháo cổ phiếu năm 2022 ở Phố Wall đã trở lại với diện mạo đầy đủ trong bối cảnh thị trường lo ngại về những đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed, cũng như ảnh hưởng của chính sách thắt chặt đó đối với nền kinh tế và thị trường tài chính...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ lại giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (29/9), với chỉ số S&P 500 tụt xuống mức thấp mới của năm 2022. Giá dầu thô có lúc vượt 90 USD/thùng, nhưng không giữ được mốc này cho tới cuối phiên, trong lúc nhà đầu tư chờ thông tin rõ ràng hơn về ý định cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Xu hướng bán tháo cổ phiếu năm 2022 ở Phố Wall đã trở lại với diện mạo đầy đủ trong bối cảnh thị trường lo ngại về những đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed, cũng như ảnh hưởng của chính sách thắt chặt đó đối với nền kinh tế và thị trường tài chính.

Điều này khiến cho S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - đóng cửa với mức giảm 2,1%, còn 3.640,47 điểm. Chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 1,54%, còn 29.225,61 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,84%, còn 10.737,51 điểm.

Apple là một trong những cổ phiếu dẫn đầu phiên giảm này, với mức giảm 4,9%, sau khi “gã khổng lồ” công nghệ đối mặt đồn đoán về sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm mới của hãng, đặc biệt là loạt điện thoại iPhone 14. Ngân hàng Bank of America cắt giảm khuyến nghị đối với Apple, khiến áp lực mất giá đối với cổ phiếu “táo khuyết” càng thêm lớn.

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang trên đà hoàn tất một tuần và một tháng giảm điểm mạnh. S&P 500 đã mất 1,4% điểm số trong 4 phiên đầu tiên của tuần, trong khi Dow Jones và Nasdaq trượt 1,2% mỗi chỉ số. Tính từ đầu tháng, S&P 500 đã mất 7,9%; Dow Jones giảm 7,2%; và Nasdaq trượt 9,1%.

“Thị trường đang sợ hãi. Nhưng về cơ bản, đó chính là điều Fed muốn: thắt chặt điều kiện tài chính. Và họ tin rằng điều đó sẽ giúp kéo lạm phát về mức mà họ cho là chấp nhận được. Và họ đang sử dụng cơ chế truyền dẫn của thị trường để làm được điều đó”, nhà quản lý quỹ Jamie Cox thuộc Harris Financial Group phát biểu.

Trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục bị bán tháo mạnh phiên này, khi các quan chức Fed không hề tỏ ý sẽ sớm thay đổi lập trường chính sách tiền tệ. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, nói rằng bà không nhận thấy sự căng thẳng trên thị trường tài chính lớn đến mức Fed phải thay đổi kế hoạch nâng lãi suất.

Số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ trong tuần trước giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng. Điều này đồng nghĩa thị trường việc làm của Mỹ tiếp tục vững vàng giữa lúc Fed tăng mạnh lãi suất.

“Tin tốt ngày hôm nay lại là tin xấu, vì số liệu về thị trường lao động một lần nữa cho thấy Fed còn một chặng được dài phải đi để chống lạm phát. Nỗi sợ hiện nay của thị trường là Fed sẽ đẩy chúng ta vào một cuộc suy thoái kinh tế rất sâu, dẫn tới suy thoái về lợi nhuận. Đó là lý do thị trường bán tháo”, ông Phil Blancato - người đứng đầu công ty quản lý tài sản Ladenburg Thalmann Asset Management - nhận định.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,9%, đóng cửa ở mức 88,49 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu đạt 90,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York trượt 1,1%, chốt ở 81,23 USD/thùng.

Vào ngày 5/10, OPEC+ sẽ có cuộc họp về vấn đề sản lượng, và tại cuộc họp này, các nước thành viên sẽ bàn về cắt giảm hạn ngạch khai thác dầu - nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Tuần này, nguồn tin của Reuters đã nói rằng Nga có thể đề xuất OPEC+ giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.

“Giá dầu có thể giằng co trong tuần tới, trừ phi chúng ta có thêm thông tin rõ ràng từ các nguồn OPEC+ về mức cắt giảm sản lượng mà khối này có thể áp dụng”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định.

Tuần này, giá dầu thô đã thoát khỏi đáy của 9 tháng thiết lập vào đầu tuần, nhờ tỷ giá đồng USD dịu đi và lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo. Phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tiếp tục giảm dưới mức đỉnh của 20 năm, theo đó giải toả bớt áp lực mất giá lên dầu.

“Nỗi lo về lạm phát và quyết tâm chống lạm phát của Fed đã khiến cho các tài sản rủi ro ở vào thế bấp bênh trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, nhưng việc đồng USD giảm giá đã giúp giá dầu tránh được một phiên giảm sâu”, chuyên gia Robert Yawger của Mizuho nhận định.

Một nguồn lực hỗ trợ cho giá dầu trong thời gian tới có thể đến từ việc Mỹ dự kiến công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào những thực thể tạo điều kiện cho việc bán dầu của Iran. “Tôi cho rằng các nhà giao dịch về cơ bản đã từ bỏ hy vọng về việc thoả thuận hạt nhân Iran được khôi phục, và tuyên bố này của Mỹ sẽ quyết định câu chuyện đi về đâu”, ông Erlam nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate