Theo tin từ hãng Bloomberg, 100% thành viên uỷ ban chính sách tiền tệ của BOT đã bỏ phiếu nhất trí với việc nâng lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm lên mức 1%. Động thái này không nằm ngoài dự báo của đa phần chuyên gia phân tích.
Với động thái này, BOT vẫn là một trong những ngân hàng trung ương ít cứng rắn hơn ở châu Á. Nhiều ngân hàng trung ương khác trong khu vực gồm Ấn Độ và Philippines đã hành động sớm và quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại xu thế tăng tốc của lạm phát và tình trạng tụt giá của đồng nội tệ.
Sự cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc chiến chống lạm phát đang đặt các nền kinh tế mới nổi ở châu Á trước rủi ro các dòng vốn tháo chạy. Điều này khiến cho đồng tiền của các nền kinh tế này mất giá mạnh hơn.
Trong phiên giao dịch ngày 28/9, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác lập kỷ lục mới của 20 năm. Đỉnh cao này được thiết lập sau khi loạt quan chức Fed gồm Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, và Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard cùng tái khẳng định quan điểm cứng rắn vào ngày 27/9, trong đó ông Evans nói rằng Fed cần nâng lãi suất lên vùng 4,5-4,75%.
Gần đây, đồng Baht Thái Lan giảm giá xuống mức thấp nhất 16 năm so với đồng USD, làm dấy lên lo ngại về chi phí sản xuất gia tăng và lạm phát nhập khẩu ở nước này. Trong tháng 8, lạm phát ở Thái Lan là 7,86%, cao nhất 14 năm.
Sự leo thang này của giá cả khiến quyềnThủ tướng Thái Lan, ông Prawit Wongsuwan, yêu cầu Bộ Tài chính nước này “trao đổi” với BOT về vấn đề tỷ giá. Ông nói thêm rằng Chính phủ sẽ không làm gì ảnh hưởng đến vị thế độc lập của ngân hàng trung ương.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, BOT cho biết sẵn sàng linh hoạt hơn trong tiến độ và thời điểm của các động thái chính sách trong tương lai, tuỳ theo tình hình tăng trưởng và lạm phát. BOT khẳng định sẽ theo đuổi phương pháp điều chỉnh từ tốn để bảo toàn sự phục hồi còn mong manh của nền kinh tế.
Tác động của việc tăng lãi suất đến tỷ giá đồng Baht còn chưa rõ ràng “nên chúng tôi không cho rằng cần phải dịch chuyển chính sách tiền tệ” chỉ vì đồng Baht yếu - ông Piti Disyatat, thư ký uỷ ban chính sách tiền tệ BOT - phát biểu tại một cuộc họp báo, nhấn mạnh rằng tỷ giá chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến các mục tiêu lạm phát và tăng trưởng của chính sách tiền tệ.
Sau động thái nâng lãi suất của BOT, đồng Baht có lúc giảm giá tới 1% so với USD, cho thấy thị trường ít nhiều thất vọng khi BOT không nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. “Năm nay, BOT chỉ còn một cuộc họp chính sách, nên mức tăng 0,25 điểm phần trăm của ngày hôm nay thực sự là một cơ hội rút ngắn khoảng cách lãi suất với Fed đã bị bỏ lỡ”, chiến lược gia Eugenia Fabon Victorino của ngân hàng Skandinaviska Enskilda Banken AB nhận định.
“Nền kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục phục hồi nhưng với rủi ro lạm phát ngày càng lớn”, BOT nhận định. “Lãi suất chính sách cần phải đưa về mức bình thường theo một quy trình từ tốn, để phù hợp với tăng trưởng bền vững trong dài hạn”.
Cơ quan này giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm nay ở mức 3,3%. Với mức tăng này, Thái Lan sẽ là nền kinh tế tăng trưởng yếu nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022. Về năm tới, BOT dự báo mức tăng sẽ là 3,8%, thấp hơn mức 4,2% đưa ra trong lần dự báo trước. Dự báo lạm phát của năm nay là 3,6%, của năm 2022 là 2,6%.
Cũng theo BOT, ngành du lịch Thái Lan - trụ cột của nền kinh tế - sẽ đón 9,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay và 21 triệu lượt trong năm 2023, từ mức 6 triệu lượt và 19 triệu lượt đưa ra trong lần dự báo trước.