December 21, 2023 | 07:36 GMT+7

Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” do nhà đầu tư chốt lời, giá dầu tăng nhẹ

Bình Minh -

“Thị trường đã mua quá nhiều, và một cú giảm như thế này là điều tự nhiên xét tới trạng thái thị trường như vậy"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (20/12), khi nhiều nhà đầu tư tiến hành hiện thực hoá lợi nhuận sau đợt tăng nóng gần đây của thị trường. Giá dầu thô tăng do mối lo về an ninh ở Biển Đỏ, nhưng mức tăng bị hạn chế bởi thông tin về lượng dầu tồn kho tăng mạnh của Mỹ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 475,92 điểm, tương đương giảm 1,27%, còn 37.082 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,5%, còn 14.777,94 điểm. Cả thước đo này cùng chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp và ghi nhận phiên giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 10.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,47%, còn 4.698,35 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9.

“Thị trường đã mua quá nhiều, và một cú giảm như thế này là điều tự nhiên xét tới trạng thái thị trường như vậy. Phiên giảm này mang tính chất kỹ thuật hơn là xuất phát từ các yếu tố nền tảng”, nhà quản lý danh mục cấp cao Keith Buchanan của Globalt Investments nhận định.

Gây áp lực giảm lớn nhất lên S&P 500 phiên này là cổ phiếu FedEx với mức giảm 12%. Công ty dịch vụ vận chuyển khổng lồ công bố triển vọng doanh thu gây thất vọng cho năm tài khoá, đồng thời đưa ra kết quả kinh doanh quý tài khoá vừa rồi không đạt kỳ vọng cả về doanh thu và lợi nhuận.

Trái lại, Alphabet là một trong những cổ phiếu tăng tốt nhất trong S&P 500 phiên này. Với mức tăng 1,2%, cổ phiếu công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google đạt mức cao nhất 52 tuần.

Phiên giảm này diễn ra sau phiên tăng mạnh vào ngày thứ Ba, khi cả Dow Jones và Nasdaq cùng đạt tới chuỗi 9 phiên tăng không nghỉ. Kể từ mức đáy đóng cửa gần nhất ghi nhận vào phiên ngày 27/10 cho tới hết phiên ngày thứ Ba tuần này, Dow Jones đã tăng 15,9% và S&P 500 tăng 15,8%. Nasdaq đã tăng 19,1% kể từ mức đáy đóng cửa gần nhất ghi nhận vào hôm 26/10.

Cả ba chỉ số đều đang trên đà hoàn tất tháng 12 và năm 2023 với mức tăng rực rỡ, với động lực là kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

S&P 500 đã tăng 2,9% trong tháng 12 này và tăng 22% từ đầu năm. Dow Jones đã tăng 3,2% trong tháng và 11,9% trong năm. Nasdaq tăng 3,9% và 41%, tiến tới hoàn tất năm tăng tốt nhất kể từ 2020.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,28 USD/thùng, tương đương tăng 0,38%, chốt ở mức 74,22 USD/thùng khi đóng cửa phiên ngày thứ Tư. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,47 USD/thùng, tương đương tăng 0,59%, chốt ở 79,7 USD/thùng.

Giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu đi qua Biển Đỏ, khu vực đang xảy ra nhiều vụ tấn công do phiến quân Houthi của Yemen nhằm vào tàu bè. Tuy nhiên, mối lo về sự dư thừa nguồn cung cũng đã quay trở lại chi phối giá dầu khi số liệu của Mỹ cho thấy sản lượng dầu và lượng dầu tồn kho của nước này cùng tăng.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu tồn ho tăng 2,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 15/12, lên mức 443,7 triệu thùng, thay vì giảm 2,3 triệu thùng như dự báo trước đó của giới phân tích. Dự trữ xăng tăng 2,7 triệu thùng, đạt 226,7 triệu thùng, so với mức dự báo tăng 1,2 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra.

Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước, phá vỡ kỷ lục trước đó là 13,2 triệu thùng/ngày.

Một báo cáo của công ty nghiên cứu S&P Global Commodity Insights dự báo Mỹ sẽ sản xuất nhiều dầu hơn một bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử, theo đó dẫn đầu sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn cung dầu ngoài OPEC+ và sự gia tăng nguồn cung này sẽ thừa để đáp ứng sự gia tăng của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2024.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Tổng sản lượng năng lượng lỏng của Mỹ trong quý 4 này đạt bình quân 21,4 triệu thùng/ngày, trong đó có 13,3 triệu thùng/ngày là dầu thô và khí ngưng tụ - theo S&P Global.

“Không chỉ Mỹ sẽ sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trong lịch sử, mà số dầu (gồm dầu thô, sản phẩm tinh luyện và khí tự nhiên hoá lỏng) mà nước này xuất khẩu cũng đang đạt gần bằng tổng sản lượng của Saudi Arabia hoặc Nga”, Phó chủ tịch Jim Burkhard của S&P Global cho biết trong một báo cáo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate