December 20, 2023 | 07:49 GMT+7

Làn sóng doanh nghiệp vỡ nợ trên toàn cầu

An Huy -

Các vụ vỡ nợ doanh nghiệp đang tăng với tốc độ hai con số ở hầu hết các nền kinh tế phát triển...

Tấm biển thông báo đóng cửa của một cửa hiệu ở Berlin, Đức. Số vụ vỡ nợ doanh nghiệp ở châu Âu đang tăng mạnh - Ảnh: Bloomberg.
Tấm biển thông báo đóng cửa của một cửa hiệu ở Berlin, Đức. Số vụ vỡ nợ doanh nghiệp ở châu Âu đang tăng mạnh - Ảnh: Bloomberg.

Các vụ vỡ nợ doanh nghiệp đang tăng với tốc độ hai con số ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, do lãi suất tăng cao và các chính phủ rút lại các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD đã triển khai trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.

Theo tờ Financial Times, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - chứng kiến số vụ vỡ nợ doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 6 trở đi, số vụ vỡ nợ liên tục tăng với tốc độ 2 con số so với cùng kỳ 2022 - văn phòng thống kê quốc gia Đức Destatis cho biết.

Trong Liên minh châu Âu (EU) nói chung, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất 8 năm - theo cơ quan thống kê Eurostat.

Nhà kinh tế trưởng Neil Shearing của Capital Economics nói rằng lãi suất cao, cùng với sự suy sụp của các công ty “thây ma” sống vật vờ bấy lâu nhờ sự trợ cấp của chính phủ trong thời Covid, là những nhân tố chính dẫn tới làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp. Nói về vấn đề này, ông Shearing đề cập đến các yếu tố gồm tiền lãi nợ, việc chính phủ chấm dứt chính sách hỗ trợ, và hoá đơn giá năng lượng cao, nhất là ở những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng lớn. Các ngành chứng kiến số vụ vỡ nợ tăng mạnh nhất gồm có giao thông và dịch vụ lưu trú.

Các gói hỗ trợ khổng lồ của chính phủ đã giúp cho doanh nghiệp ở nhiều quốc gia vượt qua được cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng do Covid gây ra. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các chính phủ đã chi hơn 10 nghìn tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021. Sau đó, các gói hỗ trợ giảm dần và kết thúc.

Ông Shearing cảnh báo rằng làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ tiếp diễn khi nhiều công ty đến kỳ đáo hạn nợ với mức lãi suất cao hơn trong những tháng sắp tới, ngay cả khi lãi suất của các ngân hàng trung ương được dự báo là đã qua đỉnh. Giới phân tích cũng cho rằng sự gia tăng của số doanh nghiệp vỡ nợ sẽ gây áp lực lên hoạt động kinh tế và tăng trưởng việc làm trên phạm vi toàn cầu trong vài năm tới đây.

Bà Susannah Streeter, nhà phân tích đầu tư cấp cao thuộc công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown, nhận định sự gia tăng của số doanh nghiệp lâm vào cảnh vỡ nợ một phần là do các công ty “thây ma” đến lúc không tồn tại thêm được. Tuy nhiên, bà cho rằng “mối lo ngại ở đây là tốc độ thắt chặt nhanh chóng của chính sách tiền tệ cũng khiến nhiều doanh nghiệp startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có triển vọng tốt bị đẩy tới bờ vực. Điều này có thể gây ra những hệ quả lâu dài đối với tăng trưởng kinh tế”.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s dự báo tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp có nợ được đánh giá tín nhiệm ở hạng đầu cơ trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, sau khi chạm mốc 4,5% trong kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 10 năm nay, cao hơn tỷ lệ bình quân lịch sử là 4,1%.

Ông David Hamilton, giám đốc phân tích của Moody’s Analytics, nhận định “vốn tín dụng sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với trước đây, hoặc khó được cấp hơn”. Moody’s lấy dẫn chứng là vụ vỡ nợ gần đây của Rite Aid, công ty vận hành hơn 2.300 nhà thuốc ở 17 bang của Mỹ, và cuộc trao đổi nợ xấu giữa công ty hàng tiêu dùng Ideal Standard International của Bỉ với công ty dịch vụ doanh nghiệp Anh Haya Holdco 2.

Công ty dịch vụ tài chính Đức Allianz dự báo tốc độ gia tăng của số doanh nghiệp vỡ nợ trên toàn cầu sẽ lên tới 10% trong năm 2024, sau khi tăng 6% trong năm 2023. “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng của số doanh nghiệp vỡ nợ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới”, trưởng phân tích Maxime Lemerle của Allianz Research.

Ở Pháp, Hà Lan và Nhật Bản, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp trong tháng 11 đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu thống kê chính thức. Một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lưu ý rằng ở một số quốc gia, gồm cả các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thuỵ Điển và Phần Lan, tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp đã vượt qua mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Ở Anh, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay cũng chạm mức cao nhất kể từ 2009, theo công ty dịch vụ vỡ nợ Insolvency Service.

Cho tới hiện tại, các ngành sử dụng nhiều lao động như dịch vụ lưu trú, giao thông và bán lẻ là những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp vỡ nợ nhất - theo Allianz. Công ty nghiên cứu này cho biết những ngành có mức độ nhạy cảm cao hơn với lãi suất cao như bất động sản và xây dựng cũng sẽ là những ngành chịu áp lực vỡ nợ lớn.

Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng trợ cấp năng lượng và các biện pháp khác sẽ giúp nhiều doanh nghiệp chống chọi được với “cơn bão” vỡ nợ, đồng nghĩa mức đỉnh của số vụ vỡ nợ doanh nghiệp có thể sẽ không cao như trong các cuộc khủng hoảng trước kia. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã tích trữ được dự trữ tiền mặt đáng kể và ký kết được các thoả thuận vay vốn khi lãi suất còn thấp. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp lịch sử ở hầu hết các nền kinh tế lớn.

“Chúng tôi không cho là thế giới đang đối mặt với một ‘trận sóng thần’ các vụ vỡ nợ”, ông Lemerle nói.

Cũng theo các nhà phân tích, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp sẽ giữ ở mức khiêm tốn so với tiêu chuẩn lịch sử ở nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức và Pháp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate