August 10, 2023 | 07:54 GMT+7

Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” trước ngày công bố báo cáo lạm phát, giá dầu lập đỉnh mới

Bình Minh -

“Nhà đầu tư có vẻ dè chừng trong phiên này, và lý do là báo cáo CPI tháng 7 sẽ được công bố vào ngày mai”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (9/8), một ngày trước khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất - điểm dữ liệu có thể ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - được công bố. Giá dầu thô tăng mạnh, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, do nỗi lo về nguồn cung thắt chặt.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 191,13 điểm, tương đương giảm 0,54%, còn 35.123,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,7%, còn 4.467,1 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,17%, còn 13.722,02 điểm.

“Nhà đầu tư có vẻ dè chừng trong phiên này, và lý do là báo cáo CPI tháng 7 sẽ được công bố vào ngày mai”, Phó chủ tịch Jason Krupa của công ty Lenox Advisors nhận định với hãng tin Reuters.

Tâm lý của nhà đầu tư trong phiên này còn bị chi phối bởi báo cáo hôm thứ Ba của Fed chi nhánh New York cho biết dư nợ thẻ tín dụng ở Mỹ đã vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD, cũng như việc Chủ tịch Patrick Harker của Fed chi nhánh Philadelphia nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ có lẽ đã đạt tới giai đoạn có thể giữ nguyên lãi suất.

“Giữa lúc giá dầu tăng lên, người tiêu dùng đang giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế. Nếu người tiêu dùng cảm thấy áp lực tài chính, họ sẽ dừng chi tiêu. Điều đó sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế”, Chủ tịch Gina Bolvin của Bolvin Wealth Management Group nói với Reuters.

Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 86,5% Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 - theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool. Tuy nhiên, khả năng này có thể thay đổi nếu báo cáo CPI mang tới những con số có sự chênh lệch lớn với dự báo.

Giới phân tích hiện kỳ vọng mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái của CPI tháng 7 tăng nhẹ so với tháng 6, trong khi mức tăng so với tháng trước là 0,2%, bằng với mức tăng của tháng 6.

Mùa báo cáo tài chính quý 2/2023 ở Phố Wall đang dần khép lại. Đến nay đã có 443 công ty thành viên trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua, trong đó 78,6% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo - theo dữ liệu từ Refinitiv.

“Thị trường đang nghiền ngẫm sự thật rằng các công ty niêm yết đang đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng nhưng kỳ vọng lại đang giảm theo từng quý”, ông Krupa nói.

Sau báo báo CPI vào ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - một chỉ báo quan trọng khác về lạm phát - của tháng 7 vào ngày thứ Sáu.

Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Sahak Manuelian, trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu của Wedbush Securities, nói rằng nhiều người ở Phố Wall đang hy vọng nhận được thêm những tín hiệu của giảm lạm phát thông qua báo cáo CPI và PPI.

“Chúng tôi cho rằng CPI và PPI sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Kỳ vọng này đã bắt đầu được phản ánh vào thị trường. Chỉ số S&P 500 đang giằng co trong vùng 4.450-4.500 điểm, cho thấy sự thiếu vắng động lực khi mùa báo cáo tài chính sắp hết, nhưng cũng có chút lạc quan về tình hình lạm phát”, ông Manuelian nói.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,6%, chốt ở 87,55 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,78%, chốt ở 84,4 USD/thùng.

Đây là mức giá cao nhất của dầu Brent kể từ tháng 1/2023 và mức giá cao nhất của dầu WTI kể từ tháng 11/2022.

Dầu tăng giá khi số liệu thống kê cho thấy lượng tồn kho của Mỹ giảm mạnh, cộng thêm nguồn cung dầu từ Nga và Saudi Arabia thắt chặt, bù đắp áp lực giảm giá dầu từ mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc suy yếu.

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng xăng tồn kho của nước này giảm 2,7 triệu thùng trong tuần trước; dự trữ dầu diesel và dầu sưởi giảm 1,7 triệu thùng, thay vì đi ngang như dự báo trước đó của giới phân tích. Thị trường hầu như không để ý đến việc lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tuần qua tăng 5,85 triệu thùng, mức tăng vượt dự báo, sau khi dự trữ này đã giảm kỷ lục trong tuần trước đó.

Số liệu của Trung Quốc công bố hôm thứ Ba cho thấy lượng nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 7 giảm 18,8% so với tháng trước đó, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1. Ngoài ra, số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã rơi vào tình trạng giảm phát, với cả CPI và PPI tháng 7 cùng giảm so với cùng kỳ năm ngoái - một dấu hiệu nữa của sự suy giảm nhu cầu, có thể gây áp lực lớn lên triển vọng phục hồi kinh tế hậu Covid.

Tuy nhiên, ngoài số liệu về tồn kho dầu của Mỹ, giá dầu còn được hỗ trợ bởi kế hoạch của Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng nữa đến hết tháng 9. Nga cũng tuyên bố sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.

“Đợt tăng giá dầu này chủ yếu dựa trên cam kết của các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia và Nga về giữ nguồn cung thắt chặt thêm 1 tháng nữa”, nhà phân tích cấp cao Charalampos Pissouros của công ty môi giới XM nhận định.

Đến tuần trước, giá dầu đã có 6 tuần tăng liên tiếp, nhờ nỗ lực giảm sản lượng của OPEC+ và hy vọng rằng các biện pháp kích cầu của Trung Quốc sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nước này khởi sắc.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối. Saudi Arabia và Nga là hai thủ lĩnh không chính thức của liên minh này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate