Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khép lại tuần giao dịch đầu năm đầy biến động khi cổ phiếu công nghệ bị bán tháo vì lãi suất leo thang. Giá dầu thô giảm sau chuỗi phiên tăng liên tục và chốt tuần với mức tăng hơn 5%. Giá Bitcoin vẫn đi xuống và chạm đáy của 3 tháng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq giảm 0,9%, còn 14.935,9 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,4%, còn 4.677,03 điểm, đánh dấu chuỗi 4 phiên giảm liền đầu tiên kể từ tháng 9. Chỉ số Dow Jones trượt 4,81 điểm, tương đương khoảng 0,01%, còn 36.231,66 điểm.
Đây là tuần giảm mạnh nhất của Nasdaq, chỉ số với thành phần chủ yếu là cổ phiếu công nghệ, kể từ tháng 2/2021. Trong tuần này, tức 5 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, chỉ số mất 4,5%. S&P 500 giảm 1,8% cả tuần, trong khi Dow Jones chỉ giảm 0,29% do nhà đầu tư chuyển sang mua một số cổ phiếu giá trị trong bối cảnh lãi suất tăng.
“Thị trường chứng khoán đang trải qua một cuộc dịch chuyển, sau khi đã tăng trưởng rất mạnh mẽ trong năm 2021”, nhà đồng sáng lập Jay Pestrichelli của ZEGA Financial phát biểu. “Chúng ta đang chứng kiến sự biến động gia tăng của những cổ phiếu riêng lẻ so với các chỉ số, và chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi của những nhóm cổ phiếu giữ vai trò dẫn dắt thị trường, do nhà đầu tư - khi chứng kiến lãi suất leo thang – phải đánh giá lại những cổ phiếu đã tăng giá mạnh trong năm 2021.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 1,8% trong phiên ngày thứ Sáu, duy trì xu hướng tăng mạnh ngay khi bước sang năm 2022, từ mức chỉ 1,51% vào cuối 2021. Biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm thứ Tư tuần này trở thành chất xúc tác cho lợi suất tăng mạnh hơn. Biên bản cho thấy Fed đã sẵn sàng cho việc rút lại các biện pháp kích thích kinh tế, một cách nhanh hơn so với dự kiến của nhiều người, bao gồm cả việc thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán sau khi bắt đầu tăng lãi suất.
“Một sự dịch chuyển chính sách của Fed thường làm gia tăng bất ổn trên thị trường”, chiến lược gia Keith Lerner thuộc Truist nói với hãng tin CNBC.
Các cổ phiếu công nghệ chịu áp lực giảm lớn trong phiên ngày thứ Sáu khi lợi suất leo thang. Với lãi suất tăng, các nhà đầu tư thường bán tháo những cổ phiếu có độ rủi ro lớn hơn với mức định giá “khủng” dựa trên kỳ vọng vào tăng trưởng lợi nhuận ở thì tương lai.
Microchip Technology là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong Nasdaq phiên này, với mức giảm 3,9%. Những cổ phiếu chip khác cũng lao dốc, như Nvidia và AMD giảm hơn 3% mỗi cổ phiếu. Netflix giảm 2,2%. Twilio mất 3,5%.
Ngoài ra, thị trường còn thất vọng khi báo cáo việc làm tháng 12 do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy số việc làm mới ít hơn nhiều so với dự báo. Trong tháng trước, khu vực phi nông nghiệp của nước này có 199.000 công việc mới, trong khi con số dự báo là 422.000 công việc.
Tuy nhiên, một số chi tiết khác của báo cáo vẫn cho thấy bức tranh kinh tế khởi sắc và sự đi lên của lạm phát. Trong đó, tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,6%, một mức tăng cao hơn kỳ vọng, và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,9%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 và thấp hơn nhiều so với mức dự báo 4,1%.
Bởi vậy, lợi suất vẫn tiếp tục tăng sau khi báo cáo trên được công bố.
Tuần này, cổ phiếu phần mềm là một trong những nhóm bị bán ồ ạt nhất, như Salesforce giảm 10% cả tuần, Adobe sụt hơn 9%, CrowdStrike giảm 7,7%. Gần như tất cả các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đều chốt tuần trong trạng thái giảm mạnh, như Netflix sụt 10% cả tuần, Microsoft mất 6,6%, Alphabet trượt hơn 5%.
Trái lại, các cổ phiếu giá trị đều cho thấy sức mạnh trong tuần này, đặc biệt là cổ phiếu năng lượng và tài chính. Các công ty dịch vụ dầu khí Schumberberger và Hess tăng khoảng 17% trong tuần; ngân hàng Wells Fargo tăng 14,1%; và Regions Financial tăng 15,2%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,24 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 81,75 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,56 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 78,9 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent tăng 5,2% và giá dầu WTI tăng 5%. Giá cả hai loại dầu đều đang ở vùng cao nhất kể từ cuối tháng 11 do mối lo nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, vì nhà đầu tư vẫn tin vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong năm nay.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin có lúc giảm dưới mốc 41.000 USD trong phiên ngày thứ Sáu, thấp nhất kể từ hôm 29/9, theo dữ liệu từ Coin Metrics. Lúc hơn 9h sáng thứ Bảy (8/1), giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com là 41.892 USD, giảm gần 2,5% so với cách đó 24 tiếng.
Theo hãng tin Reuters, giá Bitcoin đang chịu áp lực lớn từ việc Fed đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này cho thấy Bitcoin đang bị xem như một tài sản rủi ro và có biến động ngày càng tương đồng với thị trường chứng khoán, cho dù những người ủng hộ Bitcoin thường nói tiền ảo này là một tài sản an toàn và không chịu ảnh hưởng của diễn biến trên thị trường tài chính truyền thống.
Một thông tin khác đang gây sức ép giảm giá lên Bitcoin nói riêng và thị trường tiền ảo nói chung là bất ổn chính trị ở Kazakhstan, nơi Tổng thống đã đóng dịch vụ Internet sau các cuộc biểu tình lớn chống Chính phủ. Quốc gia vùng Trung Á này chiếm 18% năng lực xử lý của mạng lưới Bitcoin toàn cầu. Sau lệnh cấm đào Bitcoin của Trung Quốc, nhiều mỏ tiền ảo đã chạy sang Kazakhstan.
Theo nhà phân tích Marcus Sotiriou của GlobalBlock, năng lực điện toán của mạng lưới Bitcoin “không liên hệ trực tiếp với giá Bitcoin, nhưng là một dấu hiệu cho thấy về sự an toàn của hệ thống. Bởi vậy, sự sụt giảm năng lực của hệ thống, với mức giảm ước tính 15%, do biến động chính trị ở Kazakhstan, đang khiến nhà đầu tư lo lắng.