Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 170,64 điểm, tương đương giảm 0,47%, còn 36.236,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,1%, cnf 4.696,05 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,13%, còn 15.080,87 điểm.
Cả ba chỉ số cùng đang tiến tới hoàn tất tuần giảm đầu tiên sau 2 tuần tăng liên tiếp. Trong 8 phiên vừa qua, Nasdaq đã có 7 phiên giảm.
Nhà đầu tư trở nên thận trọng trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 12 vào ngày thứ Sáu(7/1). Giới chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ có thêm 422.000 việc làm trong tháng 12 và tỷ lệ thất nghiệp giảm về 4,1%.
“Các số liệu cơ sở đều cho thấy số lượng việc làm tăng mạnh trong tháng 12. Tuy nhiên, dữ liệu của tháng 12 sẽ chưa phản ánh ảnh hưởng của làn sóng biến chủng Omiron đối với thị trường lao động”, chuyên gia kinh tế Lauren Goodwin của New York Life Investments phát biểu.
Theo báo cáo ngày thứ Năm của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 1/1 là 207.000, cao hơn con số dự báo 195.000. Tuy nhiên, theo báo cáo của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP, khu vực tư nhân của Mỹ có thêm 807.000 công việc trong tháng 12, cao hơn nhiều so với mức dự báo 375.000.
Chứng khoán Mỹ đã giảm trong hai phiên vừa qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 12. Biên bản cho thấy Fed đã sẵn sàng rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế nhanh hơn dự báo của nhiều người.
“Sự dịch chuyển chính sách của Fed đang làm gia tăng mức độ biến động trên thị trường”, chiến lược gia Keith Lerner thuộc Truist nhận định. “Nhìn chung, thị trường chứng khoán Mỹ thường tăng điểm trong những giai đoạn Fed tăng lãi suất ngắn hạn, vì việc này thường gắn liền với một nền kinh tế khoẻ mạnh”.
“Việc thị trường giảm gần đây có vẻ hơi quá đà”, UBS Global Wealth Management nhận định trong một báo cáo. “Tiến trình bình thường hoá chính sách của Fed sẽ không làm sứt mẻ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Lợi nhuận vẫn đang có nền móng vững chắc là tiêu dùng mạnh, tiền lương tăng, và khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn dễ dàng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 1,75% trong phiên ngày thứ Năm, cao hơn nhiều so với mức 15,1% của tuần trước. Lợi suất tăng ảnh hưởng bất lợi đến những nhóm cổ phiếu tăng trưởng cao, vì khiến lợi nhuận tiềm năng trong tương lai của những doanh nghiệp này trở nên kém hấp dẫn. Vì lý do này, chỉ số Nasdaq đang trên đà hoàn tất tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2021.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,19 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, đạt 81,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,61 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, đạt 79,46 USD/thùng.
Nga đã đưa lính dù vào Kazakhstan để giúp khống chế một cuộc bạo loạn sau khi bạo lực lan rộng ở nước này. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động sản xuất dầu của Kazakhstan bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tin từ Kazakhstan cũng là một nhân tố đẩy giá dầu đi lên, duy trì xu hướng tăng của những phiên trước. Nước này sản xuất khoảng 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Giá dầu đã tăng liên tục từ phiên đầu tiên của năm nay, cho dù liên minh OPEC+ duy trì việc tăng sản lượng và lượng xăng dầu tồn kho ở Mỹ tăng mạnh. “Sản lượng của OPEC+ dù tăng nhưng vẫn sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.
Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo giá dầu Brent bình quân 88 USD/thùng trong năm nay, từ mức 70 USD/thùng trong năm ngoái. “Kịch bản chính của chúng tôi là OPEC+ đến tháng 9/2022 sẽ hồi lại hết phần sản lượng cắt giảm 2,96 triệu thùng còn lại”, một báo cáo của ngân hàng này viết.
Trên thị trường tiền ảo, Bitcoin vẫn đang giảm giá. Lúc hơn 8h sáng 7/1 theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin giảm thêm gần 1,8% so với cách đó 24 tiếng, còn chưa đầy 43.000 USD. Ở mức này, Bitcoin đã giảm gần 38% so với kỷ lục thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái.