Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/5), sau khi phục hồi mạnh trong tuần trước, trong bối cảnh Phố Wall chuẩn bị khép lại nửa đầu năm tệ hại nhất của giá cổ phiếu trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Giá dầu tăng khá mạnh vì phương Tây cân nhắc tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 62,42 điểm, tương đương giảm 0,2%, còn 31.438,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, còn 3.900,11 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 0,7%, còn 11.524,55 điểm.
Thị trường có một phiên chật vật khi nhà đầu tư băn khoăn liệu giá cổ phiếu đã chạm đáy hay chỉ phục hồi kiểu giải toả trong điều kiện đã bán quá nhiều (oversold). Một số chuyên gia cho rằng, thị trường có thể được hỗ trợ trong tuần này vì đây là thời điểm nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục cuối quý.
Các chỉ số tụt điểm vào buổi chiều sau khi gần như đi ngang vào buổi sáng. Diễn biến thị trường phiên này được chuyên gia Ross Mayfield của Baird đánh giá là lình xình. Ông nói rằng hiện chưa có một chất xúc tác rõ ràng nào để thị trường xác định phương hướng, nên các chỉ số có khả năng sẽ tiếp tục giằng co trong vùng hẹp trong những phiên tới.
“Ở những cuộc hồi phục trong xu thế giá xuống (bear market rally) như thế này, thị trường thường đã rơi vào trạng thái bán quá nhiều (oversold) hoặc bi quan thái quá. Nhưng điều này không đủ để duy trì xu hướng tăng, mà chỉ mang lại một chút giải toả thôi”, ông Mayfield nhận định.
Theo vị chuyên gia, bất kỳ dấu hiệu nào về sự “hạ nhiệt” của lạm phát cũng sẽ là một chất xúc tác tích cực cho giá cổ phiếu.
“Từ giờ trở đi, hy vọng lại được đặt vào khả năng lạm phát đạt đỉnh. Cho dù lạm phát có giảm với tốc độ rất chậm, thì mức độ biến động của thị trường tài chính từ giờ đến cuối năm cũng sẽ giảm đi nhiều”, ông Tom Tzitzouris, trưởng bộ phận nghiên cứu trái phiếu của Strategas, phát biểu. “Ngược lại, nếu lạm phát tăng cao hơn, mọi sự đặt cược sẽ được rút lại và biến động sẽ lại gia tăng”.
S&P 500 hiện đã hồi phục hơn 7% sau khi rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) hồi giữa tháng 6. Tuy nhiên, chỉ số hiện vẫn đang thấp hơn 19% so với đỉnh và thấp hơn 18% so với thời điểm đầu năm.
Cổ phiếu công nghệ vào tiêu dùng dẫn đầu sự giảm điểm phiên đầu tuần, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nhích lên. Cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất, với mức tăng 2,8%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,74%, chốt ở 115,09 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,95 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, đạt 109,57 USD/thùng.
Giá dầu đi lên trong lúc giới đầu tư lo ngại hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đang diễn ra ở Đức có thể đưa ra động thái mới nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, tại cuộc gặp này, lãnh đạo G7 cũng thảo luận về việc phục hồi thoả thuận hạt nhân Iran - một động thái có thể làm gia tăng nguồn cung dầu từ quốc gia vùng Vịnh.
“Tôi cho rằng nếu G7 thiết lập một trần giá đối với dầu Nga, không rõ họ sẽ thực thi điều này thế nào, nhất là khi Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga”, nhà tư vấn thị trường dầu lửa Andrew Lipow nhận định.
Nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank of Australia nói rằng nếu G7 áp trần giá đối với dầu Nga, Nga sẽ đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu tinh luyện sang các nền kinh tế G7. Điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung dầu toàn cầu hiện nay.
Tuần trước, giá dầu Brent và WTI cùng giảm 2 tuần liên tiếp, dưới sức ép của lãi suất tăng lên ở nhiều nền kinh tế, đồng USD mạnh, và nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mối lo về nguồn cung dầu thắt chặt đang lấn át mối lo về tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Vào ngày thứ Năm tuần này, OPEC+ sẽ tiến hành cuộc họp sản lượng định kỳ. Nguồn thạo tin nói rằng nhiều khả năng nhóm sẽ giữ nguyên kế hoạch đẩy nhanh việc tăng sản lượng trong tháng 8. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.