Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/6), với chỉ số Dow Jones tăng hơn 800 điểm, hoàn tất tuần đi lên đầu tiên kể từ tháng 5 đến nay. Giá dầu thô cũng tăng phiên này, nhưng có một tuần giảm vì nỗi lo suy thoái kinh tế.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 823,32 điểm, tương đương tăng 2,68%, đạt 31.500,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,06%, đạt 3.911,74 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,34%, đạt 11.607,62 điểm.
Cả ba chỉ số cùng tăng mạnh trong tuần này, trong đó S&P 500 tăng gần 6,5%; Nasdaq tăng 7,5%; và Dow Jones tăng 5,4%.
Tuần trước, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ, có tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, với mức giảm 5,8%.
Với tuần tăng này, thị trường khép lại chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp trước đó, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư tiếp tục đánh giá về khả năng thị trường đã chạm đáy hay chưa. Tuy nhiên, không ít chuyên gia phân tích ở Phố Wall vẫn giữ quan điểm bi quan.
“Chúng tôi tin rằng sự phục hồi của chứng khoán Mỹ trong 3 phiên giao dịch vừa qua chỉ là sự tăng điểm giải toả trong xu hướng thị trường đầu cơ giá xuống, khi mà cổ phiếu đã rơi vào trạng thái bị bán quá nhiều trước đó”, chuyên gia Chris Senyek của Wolfe Research nhận định.
“Trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục tăng. Nhưng chúng tôi vẫn duy trì kịch bản chính là thị trường còn giảm trong trung hạn, và nhân tố tiếp theo gây áp lực giảm lên thị trường là rủi ro suy thoái kinh tế và dự báo lợi nhuận bị điều chỉnh giảm”, ông Senyek nói.
Phiên tăng ngày thứ Sáu diễn ra khi thị trường đón nhận một báo cáo niềm tin tiêu dùng. Cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ chạm mức thấp kỷ lục 50 điểm trong tháng 6, nhưng kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới giảm về mốc 5,3%. Dữ liệu sơ bộ công bố vào đầu tháng này cho thấy kỳ vọng lạm phát là 5,4%.
“Về cơ bản, tâm lý người tiêu dùng đang có sự đan xen giữa bi quan và lạc quan”, chiến lược gia trưởng Terry Sandven của US Bank Wealth Management nhận định về báo cáo trên. “Người tiêu dùng vẫn đang ra ngoài và trả tiền cho các ‘trải nghiệm’ như du lịch, giải trí, làm đẹp… Tuy nhiên, lạm phát tăng cao, đặc biệt là giá lương thực-thực phẩm và năng lượng, là một trong số những trở ngại đối với tiêu dùng không thiết yếu trong thời gian trước mắt”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,07 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở 113,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,35 USD/thùng, tương đương tăng 3,2%, chốt ở 107,62 USD/thùng.
Ngưồn cung thắt chặt vẫn đang là nhân tố quan trọng nhất hỗ trợ cho giá dầu. Tuy nhiên, giá năng lượng này đã có tuần giảm thứ hai liên tiếp vì mối lo lãi suất tăng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “đã thể hiện quan điểm rất cứng rắn, khiến đà tăng của giá dầu bị gián đoạn”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.
Hôm thứ Năm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói rằng nỗ lực chống lạm phát của Fed là “vô điều kiện”. Tuyên bố này làm gia tăng lo ngại về tốc độ tăng lãi suất, không chỉ của Fed mà còn của các ngân hàng trung ương lớn khác.
Chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định rằng mối lo suy thoái kinh tế đang phủ bóng lên thị trường, nhưng “sự đồng thuận vẫn là thị trường dầu lửa sẽ chứng kiến nhu cầu cao và nguồn cung thắt chặt trong những tháng mùa hè, nên mức độ giảm của giá dầu sẽ bị hạn chế”.
Trên thị trường tiền ảo, Bitcoin tiếp tục thể hiện nỗ lực duy trì mốc 20.000 USD. Lúc hơn 9h sáng thứ Bảy (25/6), giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đứng ở 21.307 USD, tăng hơn 1,3% so với cách đó 24 tiếng và tăng gần 4,5% trong vòng 1 tuần – theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com.
Tổng giá trị vốn hoá của toàn thị trường tiền ảo ở thời điểm trên là hơn 958 tỷ USD, với gần 407 tỷ USD là vốn hoá của Bitcoin.