Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/11), khi các nhà giao dịch chờ báo cáo lạm phát tháng 10. Giá dầu thô tăng hơn 1% sau khi một báo cáo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) xoa dịu mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 hạ 0,08%, còn 4.411,55 điểm. CHỉ số Nasdaq giảm 0,22%, còn 13.767,74 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 54,77 điểm, tương đương tăng 01,6%, chốt ở 34.337,87 điểm.
Phiên đầu tuần thiếu vắng những thông tin và dữ liệu có thể ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu. Nhà đầu tư chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Ba. CPI toàn phần được dự báo tăng 3,3% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái vàn tăng 0,1% so với tháng trước - theo một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Hôm thứ Sáu, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s giảm triển vọng tín nhiệm của Mỹ xuống ‘tiêu cực’ do thâm hụt ngân sách khổng lồ và sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà trong vấn đề ngân sách. Động thái này của Moody’s đồng nghĩa Mỹ có thể không giữ được điểm tín nhiệm AAA cao nhất cuối cùng mà nước này còn có được, vì hai tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn còn lại là Standard&Poor’s và Fitch đều đã hạ điểm tín nhiệm của Mỹ. Fitch mới giảm điểm tín nhiệm của Mỹ về AA+ từ AAA hồi tháng 8, trên cơ sở tình hình tài khoá ngày càng xấu, gánh nặng nợ nần gia tăng, và phân cực chính trị về ngân sách.
Tuy nhiên, thị trường hầu như không có phản ứng đáng kể sau tuyên bố của Moody’s. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang trong phiên ngày thứ Hai, đến cuối phiên giao dịch ở mức 4,638%.
“Tâm điểm chú ý của thị trường tuần này vẫn là dữ liệu lạm phát và ảnh hưởng của dữ liệu đó đến đường đi chính sách của Fed”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,09%, tương đương tăng 1,34%, chốt ở 82,52 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,09 USD/thùng, tương đương tăng 1,41%, chốt ở 78,26 USD/thùng.
Báo cáo hàng tháng của OPEC nói rằng các yếu tố nền tảng của thị trường dầu vẫn đang mạnh và giá dầu giảm thời gian qua là do giới đầu cơ. Tổ chức này nâng nhẹ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023 và giữ nguyên mức dự báo tương đối cao về nhu cầu của năm 2024.
“Bản báo cáo của OPEC có vẻ đã đẩy lui mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng. OPEC cho rằng sự bi quan về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc đã bị thổi phồng”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định trong một báo cáo.
Tuần trước, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của nước này trong năm nay sẽ tăng ít hơn một chút so với dự kiến trước đó và nhu cầu sẽ giảm. Việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell để ngỏ khả năng tăng lãi suất một lần nữa cũng dẫn tới những lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu.
Ngoài ra, số liệu ảm đạm về kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới - khiến nhà đầu tư thêm bi quan về nhu cầu. Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã giảm lượng đặt mua dầu trong tháng 12 từ Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, thị trường dầu dường như không còn lo ngại nhiều về rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông do cuộc chiến tranh Israel-Hamas. Điều này khiến giá dầu mất đi nguồn lực hỗ trợ quan trọng đã có trong tháng 10, khi cuộc chiến mới nổ ra.
Những yếu tố trên đã khiến giá dầu giảm khoảng 4% trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp - chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ tháng 5.